Theo TS Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam, để thực hiện tầm nhìn phát triển dài hạn và trung hạn, TP.HCM cần rà soát và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế theo hướng đột phá để thay đổi mô hình tăng trưởng của các lĩnh vực ưu tiên và đảm bảo tính bền vững cho toàn bộ nền kinh tế.
Ngoài ra, phải rà soát và điều chỉnh quy hoạch phân bổ không gian của Thành phố nằm trong mối liên kết với Vùng Thành phố, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, trong chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị nên điều chỉnh sự phân bổ không gian theo hướng chuyển đổi mô hình thành phố kiểu cổ điển với một trung tâm duy nhất sang mô hình thành phố tổng hợp.
Chia sẻ về tầm nhìn phát triển và các nút thắt thể chế, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho TP.HCM chưa thể tìm được các chiến lược phát triển hợp lý và hình thành mục tiêu dài hạn là do chưa có cơ chế hay chưa tập hợp được đội ngũ trí thức và các doanh nhân đông đảo ở Thành phố cũng như những người luôn trăn trở cho sự phát triển của Thành phố ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Mặt khác, do những ràng buộc về ngân sách và thể chế nên các thứ tự ưu tiên thường không rõ ràng và nhất quán. Điển hình nhất là việc ứng phó với tình trạng quá tải của hạ tầng giao thông. Dù mục tiêu phát triển hệ thống giao thông công cộng rất tham vọng được đặt ra từ thập niên 1990, nhưng các giải pháp chủ yếu là ứng phó với những vấn đề trước mắt như việc phải tạm thời làm cầu vượt chẳng hạn.
Theo GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Việt Nam VIDERI, muốn đưa TP.HCM trở nên phát triển năng động cần ba nhân tố cốt yếu bảo đảm phát triển bền vững một đô thị, gồm: thể chế tốt, quản trị tốt, liên kết vùng để phát huy lợi thế liên kết cứng tốt. Nghĩa là, phải có tầm nhìn rộng, cả khu vực công và tư để không ngừng đổi mới, cải cách, góp phần làm cho kinh tế - xã hội phát triển. Đặc biệt, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt cho phát triển trong cải cách.
Vẫn theo GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, giải pháp lớn cho vấn đề này chính là thống nhất quan điểm dựa trên tư duy phát triển hiện đại, tạo sự phát triển vượt trội, đột phá và độc đáo của Thành phố trong bối cảnh diễn biến nhanh ở trong và ngoài nước cả về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường... Song song đó, xây dựng các chiến lược để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, từ đó cụ thể hóa cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Còn GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thì cho rằng, tầm nhìn chung trong quản lý và phát triển đô thị tại TP.HCM từ góc độ quy hoạch Vùng là nên rà soát lại về thực trạng và tầm nhìn trong chiến lược phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc của cả vùng trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, khi nghiên cứu các giải pháp hãy “làm mờ đi” ranh giới quản lý hành chính hiện đang “bó chặt” và kìm hãm sự phát triển theo những quy luật khách quan của các đô thị trong Vùng, để hướng tới một vùng đô thị có khả năng phát triển năng động, khai thác hết thế mạnh.
Hiện nay, sự phát triển của Thành phố đang đối mặt với nhiều điểm tắc nghẽn lớn và những khó khăn rất đặc thù: ách tắc giao thông, ngập nước, “quá tải” dân số đô thị và chất lượng nguồn nhân lực, ngân sách thu hẹp, năng lực bộ máy chính quyền, các nhân tố tạo sức mạnh “đầu tàu” hiện đại... Trong khi đó, nhiều lợi thế phát triển to lớn của Thành phố về: vốn, nhân lực, vị thế địa chiến lược, quy mô, văn hóa... chưa được phát huy, thậm chí còn bị lãng phí.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vì những trở ngại đó, Thành phố đã không thể giải quyết các vấn đề phát triển đô thị của mình, của một megacity đang có nhu cầu và điều kiện để hiện đại hóa nhanh. Cũng vì những lý do đó, Thành phố đã không thể hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh “đầu tàu phát triển”, tức là chưa làm tròn trách nhiệm của mình đối với công cuộc phát triển của cả nước. Đây là điểm cần được nhấn mạnh để có một cách tiếp cận phát triển đối với TP.HCM đúng đắn, không thiên lệch và có trách nhiệm.
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến đóng góp tại hội thảo, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, hội thảo này là một phần trong toàn bộ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kiến tạo cho Thành phố những giải pháp ưu việt nhất để bứt phá. Trong khuôn khổ của đề án Cơ chế chính sách đột phá để TP.HCM phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc, thực hiện tốt vai trò trung tâm đối với Vùng và cả nước theo Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, hy vọng những đóng góp thiết thực từ các cấp, các ngành, các nhà khoa học..., sẽ giúp TP.HCM - Hòn Ngọc Viễn Đông sớm lấy lại được vị trí số 1 của khu vực.