Bản tin thời sự sáng 3/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến địa phương mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn; TP.HCM thu hồi Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng; công an đề nghị tạm dừng giao dịch tài sản của cựu lãnh đạo Bình Thuận vừa bị bắt; hơn 5.300 phương tiện chở hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5…

Bộ Giao thông vận tải xin ý kiến địa phương mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế về việc lấy ý kiến cho Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn dự kiến mở rộng lên 4 làn xe

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn dự kiến mở rộng lên 4 làn xe

Triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư mở rộng tuyến đường bộ Cam Lộ - La Sơn, tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đến nay, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này.

Để bảo đảm trình tự thủ tục và cơ sở pháp lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đề nghị UBND 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nghiên cứu và có ý kiến tham gia nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này.

Các nội dung cần lấy ý kiến đó là sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch liên quan của địa phương; hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương; sự cần thiết đầu tư và sự phù hợp với mục tiêu, địa điểm, phạm vi, quy mô dự kiến.

Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đang khai thác với chiều dài 98,35 km. Các đoạn tuyến quy mô 2 làn xe và các đoạn vượt xe quy mô 4 làn xe. Vận tốc khai thác cao tốc Cam Lộ - La Sơn tối thiểu 60 km/h, tối đa 80 km/h. Hiện nay, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã cơ bản giải phóng mặt bằng bảo đảm 4 làn xe hoàn chỉnh.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiến nghị mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 4 làn xe hoàn chỉnh với nền đường rộng từ 22 - 23,325 m và đầu tư bổ sung hoàn chỉnh 3 nút giao khác mức liên thông với cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Tổng mức đầu tư mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn khoảng 7.000 tỷ đồng.

TP.HCM thu hồi Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo dừng đầu tư Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT), chuyển sang đầu tư công.

Khu đất Nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Khu đất Nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Nội dung trên được Văn phòng UBND TP.HCM nêu tại thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi về Dự án xây dựng Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng (Nhà thi đấu Phan Đình Phùng) tại số 8 đường Võ Văn Tần, Quận 3.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh báo cáo, tham mưu, dự thảo tờ trình của UBND Thành phố báo cáo Ban cán sự Đảng UBND Thành phố về việc dừng đầu tư Dự án theo hình thức đối tác công tư, chuyển thành phương thức đầu tư công.

Ông Phan Văn Mãi chỉ đạo, các sở ngành liên quan xem xét cơ sở pháp lý, rà soát công việc nhà đầu tư đã thực hiện, xác định chi phí để đàm phán, xử lý dứt điểm theo nguyên tắc hợp lý, hài hòa.

Phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công Dự án trước ngày 30/4/2025 chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm ở khu "đất vàng" Quận 3, TP.HCM với 4 mặt tiền đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần.

Dự án này đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT từ năm 2008 và triển khai từ tháng 3/2010. Đây là một trong số ít dự án được Thủ tướng đồng ý cho tiếp tục triển khai xây dựng theo hợp đồng BT sau khi phương thức hợp tác công tư này chính thức bị dừng lại năm 2019.

Chủ đầu tư Dự án là Liên danh Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa và Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt.

Mức đầu tư được công bố là 989 tỷ đồng vào năm 2010, nhưng đến năm 2013, công trình đội vốn lên hơn 1.352 tỷ đồng. Tiếp đến, sau khi điều chỉnh thiết kế, Dự án lại tăng vốn lên gần 2.000 tỷ đồng.

Từ đó đến nay, Dự án vẫn chưa được triển khai do các khúc mắc về việc thanh toán hợp đồng BT.

Công an đề nghị tạm dừng giao dịch tài sản của cựu lãnh đạo Bình Thuận vừa bị bắt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu và tạm dừng giao dịch đối với tài sản của các cựu lãnh đạo Bình Thuận vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra vụ án xảy ra tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Một góc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Một góc Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Theo công văn do Thiếu tướng Trần Minh Tiến - Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ký gửi đến UBND tỉnh Bình Thuận, hiện cơ quan này đang tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết theo Quyết định khởi tố vụ án ngày 1/3/2023.

Căn cứ các quy định pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu và tạm dừng giao dịch: không cho chuyển nhượng, mua bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với tài sản (gồm bất động sản, cổ phần, cổ phiếu...) của 12 cá nhân vừa bị khởi tố trong vụ án trên.

Các cá nhân gồm: Lê Tiến Phương - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Xà Dương Thắng - cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận; Đỗ Ngọc Điệp - cựu Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết; Hồ Như Hải - cựu Phó Giám đốc Công ty CP Thẩm định giá Miền Nam chi nhánh Bình Thuận; Lê Anh Huy - cựu Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai Bình Thuận; Nguyễn Xuân Phong - cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Thuận.

Và 6 cá nhân đang chấp hành án phạt tù trong vụ án khác: Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh - cựu Giám đốc và Phó Giám đốc Sở TNMT Bình Thuận; Nguyễn Thanh Cho - cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TNMT Bình Thuận; Lê Nam Hưng - cựu Chánh Văn phòng sở, cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai, Sở TNMT Bình Thuận; Nguyễn Văn Phong - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận (Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Bình Thuận).

Hồ sơ tài liệu liên quan 12 cá nhân trên gửi về Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trước ngày 9/5/2024.

Hơn 5.300 phương tiện chở hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong suốt kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 hoạt động thông quan xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa tại một số cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn vẫn diễn ra sôi động. Lực lượng chức năng đã làm thủ tục thông quan cho trên 5.300 phương tiện; trong đó, hơn 2.100 phương tiện chở hoa quả xuất khẩu.

Phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn

Phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn

Theo đó, trong 5 ngày nghỉ lễ, lực lượng chức năng ở các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã làm thủ tục thông quan cho trên 5.300 phương tiện; trong đó, hơn 2.100 phương tiện là hoa quả xuất khẩu. Tổng trọng lượng nông sản xuất nhập khẩu khoảng trên 55.790 tấn, bao gồm hoa quả các loại, các sản phẩm từ nông sản… Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Tân Thanh vẫn là hai cửa khẩu có hoạt động biên mậu sôi động nhất.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn diễn ra ổn định và thông suốt là do sự chủ động của các lực lượng chức năng cửa khẩu, trong việc sớm thông báo đến các doanh nghiệp, chủ hàng về thời gian thông quan.

Cùng với đó, Trung tâm Quản lý cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn triển khai bố trí cán bộ trực làm việc để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Các đơn vị hải quan phân công lãnh đạo, cán bộ, công chức xử lý các thủ tục hải quan, hướng dẫn doanh nghiệp, chủ hàng thực hiện khai báo hàng hóa trên Hệ thống hải quan điện tử.

Lực lượng bộ đội biên phòng bố trí cán bộ trực 24/24 giờ, hướng dẫn điều tiết phân luồng phương tiện ra vào cửa khẩu, không để xảy ra tình trạng ùn ứ xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu…

Vietnam Airlines lãi kỷ lục hơn 4.400 tỷ đồng trong quý I

Doanh thu và lợi nhuận của Vietnam Airlines lập đỉnh lịch sử trong 3 tháng đầu năm, giúp hãng chấm dứt chuỗi 16 quý liên tiếp thua lỗ.

Vietnam Airlines đã có lãi trở lại sau 16 quý liên tiếp thua lỗ

Vietnam Airlines đã có lãi trở lại sau 16 quý liên tiếp thua lỗ

Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HoSE: HVN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu gần 28.300 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

Nguồn thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm Tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao.

Ngoài ra, sự trở lại của các tuyến bay quốc tế cũng góp công vào bức tranh kinh doanh tích cực của Vietnam Airlines. Trong quý này, các chuyến bay quốc tế đóng góp 65% vào tổng doanh thu vận tải hàng không của hãng.

Giá vốn hàng bán tăng ít hơn doanh thu giúp Công ty lãi gộp hơn 4.000 tỷ đồng trong quý vừa qua, gấp đôi cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính giảm 62,5% còn 137 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng gần gấp đôi lên mức 1.470 tỷ đồng do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tăng. Trong kỳ, Vietnam Airlines lỗ ròng gần 650 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá do Công ty có nhiều khoản nợ vay bằng ngoại tệ.

Sau khi trừ các chi phí, công ty mẹ Vietnam Airlines lãi trước thuế khoảng 1.500 tỷ đồng quý I. Trong kỳ này, hãng hàng không quốc gia cũng ghi nhận thu nhập khác hơn 3.630 tỷ đồng do phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines.

Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Vietnam Airlines lần lượt hơn 4.500 tỷ đồng và hơn 4.400 tỷ đồng. Nhờ vậy, hãng đã chấm dứt chuỗi 16 quý lỗ liên tiếp.

Tuy nhiên, tại thời điểm 31/3, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ lũy kế hơn 36.700 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty âm hơn 12.500 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính của Vietnam Airlines ở mức hơn 24.400 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản hơn 56.300 tỷ đồng.

Khai trương đoàn tàu ‘cõng’ hàng từ Ga Cao Xá gia nhập liên vận quốc tế

Ngày 2/5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và UBND tỉnh Hải Dương khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa đầu tiên từ Ga Cao Xá (xã Cao An, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) tham gia hành trình liên vận quốc tế.

Đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm và sữa, đóng tại các nhà máy trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên

Đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm và sữa, đóng tại các nhà máy trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VNR, sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1, Ga Cao Xá trở thành ga hàng hóa trong mạng lưới vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tham gia tích cực vào vận tải hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh và ngược lại, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng, tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.

Trong giai đoạn 2, nếu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, VNR sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, cải tạo Ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, trong đó đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số.

Khi đó, tại Ga Cao Xá, sẽ tổ chức khai thác 2 tuyến liên vận quốc tế gồm tuyến 1: Cao Xá - Yên Viên (Hà Nội) - Kép (Bắc Giang) - Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc), từ đây đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh sang các nước Trung Á, Nga, EU. Tuyến 2: Cao Xá - Lào Cai - Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Vân Nam, Trung Quốc) và chuyển đổi phương tiện đi sâu vào nội địa Trung Quốc.

Đặc biệt, sau khi nâng cấp, hàng hóa xuất, nhập khẩu có thể thực hiện được thủ tục hải quan ngay tại Ga Cao Xá, vận chuyển bằng đường sắt liên vận đi tiếp đến các cửa khẩu biên giới để sang các nước, rút ngắn được thời gian làm thủ tục cũng như vận chuyển.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư