Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Các chỉ số chứng khoán chính của thị trường chứng khoán Mỹ giảm hơn 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, dẫn đầu là sự tuột dốc của nhóm cổ phiếu công nghệ. Với phiên giảm này, chứng khoán Mỹ có tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và nỗi lo về lãi suất phủ bóng đen lên Phố Wall.
Theo hãng tin Reuters, chỉ số S&P 500 gần như mất hết thành quả tăng của tuần trước - tuần mà chỉ số này tăng mạnh nhất trong 7 năm.
Sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận "đình chiến" thương mại vào cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ đã có những phiên trồi sụt mạnh do tâm lý hoài nghi của nhà đầu tư về khả năng xuống thang thực sự của xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nỗi lo tăng lên vào ngày thứ Sáu, khi cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói rằng Mỹ sẽ quay lại với biện pháp tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc nếu hai nước không đạt thỏa thuận thương mại trong thời hạn đàm phán kéo dài 90 ngày.
Ngoài vấn đề thương mại, giới đầu tư ở Phố Wall cũng dành sự quan tâm cho diễn biến lợi suất trái phiếu và các tín hiệu về lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ở thời điểm hiện tại, một số nhà đầu tư cho rằng FED sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất cho phù hợp với sự giảm tốc của kinh tế Mỹ.
"Một cuộc khủng hoảng niềm tin về tình hình thương mại có thể xảy ra, thậm chí là cả khủng hoảng niềm tin vào FED, bởi FED đã thay đổi quan điểm quá nhanh", ông Walter Todd, Giám đốc đầu tư của Greenwood Capital Associates, phát biểu.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 2,24%, còn 24.388,95 điểm. S&P hạ 2,33%, còn 2.633,08 điểm. Nasdaq sụt 3,05%, còn 6.969,25 điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ của S&P "bốc hơi" 3,5%, nhóm y tế sụt 2,5%.
Mức trung bình 50 ngày của S&P đã giảm dưới mức trung bình 200 ngày - một hiện tượng mà giới phân tích kỹ thuật gọi là "chữ thập tử thần", dấu hiệu cho thấy thị trường có thể giảm sâu hơn trong ngắn hạn.
Tính chung cả tuần, Dow Jones sụt 4,5%, S&P giảm 4,6%, và Nasdaq mất 4,9%. Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu nhỏ giảm 5,6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất từ tháng 1/2016.
Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm của nước này chậm lại trong tháng 11 và tiền lương tăng ít hơn dự báo. Thống kê này được xem như tín hiệu cho thấy sự yếu đi của các hoạt động kinh tế, có thể củng cố những kỳ vọng về số lần tăng lãi suất ít đi từ FED trong năm 2019.
Cuộc họp cuối cùng của FED trong năm 2018 dự kiến diễn ra vào ngày 18-19/12, với khả năng tăng lãi suất là khá cao.
Nhóm cổ phiếu năng lượng chỉ giảm 0,6% phiên này, nhờ giá dầu tăng sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga nhất trí giảm sản lượng khai thác dầu.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,08 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,63 lần.
Có tổng cộng 8,7 tỷ cổ phiếu được giới giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng phiên này, so với mức bình quân 7,9 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.