Chính thức trình Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công Thương vừa cho biết, Bộ đã hoàn thiện và chính thức trình Đề án Quy hoạch điện VIII lên Chính phủ sau khi được Hội đồng thẩm định họp xem xét và bỏ phiếu thông qua.
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện và chính thức trình Đề án Quy hoạch điện VIII lên Chính phủ (ảnh: Internet)
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện và chính thức trình Đề án Quy hoạch điện VIII lên Chính phủ (ảnh: Internet)

Về quá trình xây dựng Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương khẳng định đã tuân thủ theo đúng các quy định của Luật Quy hoạch. Bộ đã tổ chức các cuộc hội thảo giữa kỳ, cuối kỳ và tiến hành tham vấn cộng đồng về nội dung Đề án; đăng tải thông tin lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ, gửi lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 16 bộ và cơ quan, các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.

Kết quả, Bộ Công Thương đã nhận được 681 ý kiến đóng góp, trong đó có ý kiến từ các bộ, ngành là 141, từ các đơn vị của Bộ Công Thương là 89, từ các đơn vị hoạt động trong ngành điện là 254, từ UBND, Sở Công Thương các tỉnh là 117 và tổ chức, cá nhận, chuyên gia là 80 ý kiến.

Tháng 3/2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát, hoàn thiện Đề án và tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan đơn vị liên quan. Bộ Công Thương đã nhận được thêm 157 ý kiến từ các bộ, cơ quan, 143 ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty…

Bộ Công Thương nhấn mạnh, Đề án Quy hoạch điện VIII được xây dựng trên cơ sở định hướng tại Nghị quyết 55-ND/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị trên cơ sở 3 quan điểm cốt lõi.

Một là phát triển điện lực đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân.

Hai là phát triển đồng bộ nguồn và lưới; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng miền; không xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2021 - 2030; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây tải điện liên miền giai đoạn 2031 - 2045.

Ba là tiếp tục xem xét, phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác…) với quy mô phù hợp. Xem xét lộ trình giảm các nguồn điện than, phát triển các nguồn điện khí LNG một các hợp lý. Tăng cường nhập khẩu điện trên cơ sở tuân thủ các văn bản ghi nhớ đã cam kết.

Chuyên đề