Chi 32.000 tỷ trả cổ tức 5 năm, Vinamilk muốn phát hành ESOP lớn hút nhân tài

SCIC cho rằng việc phát hành ESOP sẽ giúp Vinamilk duy trì và giữ chân được các nhân tài...
Vinamilk đang là doanh nghiệp sữa có thị phần lớn nhất Việt Nam.
Vinamilk đang là doanh nghiệp sữa có thị phần lớn nhất Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ mới đây cho biết nhận được công văn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) về đề xuất chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Theo đó, SCIC đề nghị Thủ tướng cho phép Vinamilk được phát hành cổ phiếu ESOP giai  đoạn 2018 - 2021, chia làm hai đợt.

Đợt 1 phát hành 1% vốn điều lệ tương ứng 14,5 triệu cổ phần thực hiện trong năm 2018 và đợt 2 cũng phát hành 1% vốn điều lệ trong năm 2020. Điều kiện để phát hành đợt 2 là trong năm 2020 Vinamilk đạt chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận sau thuế tối thiểu của 3 năm liền là 2017, 2018, 2019 hoặc luỹ kế tối thiểu của 3 năm từ 2017 đến 2019 theo ké hoạch kinh doanh mà ban điều hành đưa ra.

Về giá phát hành, SCIC cho biết giá phát hành bằng 2 lần giá trị sổ sách 1 cổ phần của công ty theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét gần nhất. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm, mỗi năm được giải tỏa 50%.

SCIC cho rằng chương trình ESOP của Vinamilk trước đây đã đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2017 doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng 8,6%. Cổ tức chia cho cổ đông của Vinamilk luôn ở mức cao từ 45-83%. Trong giai đoạn 2012 - 2017, tổng giá trị cổ tức chi trả bằng tiền mặt là gần 32.000 tỷ đồng, trong đó cổ đông SCIC được nhận 13.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cổ đông còn được hưởng lợi ích từ việc chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% và giá trị cổ phiếu luôn tăng trưởng cao, bền vững. Cụ thể, năm 2012, cổ phiếu VMM có giá 86.500 đồng/cổ phiếu đến năm 2017 đã tăng lên 208.600 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá thị trường Vinamilk cuối năm 2017 đã tăng 6,25 lần so với cuối năm 2011.

"Chương trình ESOP của năm 2016 đã góp phần gia tăng thị phần của Vinamilk năm 2017 đối với toàn thị trường sữa tại Việt Nam (2,1%), so với mức tăng bình quân 1% của 4 năm trước đó. Kết quả kinh doanh 2016, 2017 tích cực dẫn tới tăng giá trị cổ phiếu, tạo thuận lợi cho công tác bán vốn Nhà nước tại Vinamilk.

Trong năm 2017, SCIC đã bán thành công số cổ phần tương ứng 3,33% vốn điều lệ với giá trị thu về gần 9.000 tỷ đồng. Mặc dù giảm tỷ lệ sở hữu tại VNM từ 39,3% xuống 36% nhưng tính đến cuối 2017 vốn hoá của SCIC sở hữu tại Vinamilk tăng mạnh 53% so với năm 2016, tương ứng 120.000 tỷ đồng", SCIC cho biết.

Theo thống kê, Vinamilk đã phát hành ESOP với tổng khối lượng phát hành là 3,42% vốn điều lệ.

SCIC còn cho rằng ESOP sẽ giúp Vinamilk duy trì và thu hút nhân tài trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực ngày càng tăng.

Tuy nhiên, việc thực hiện ESOP sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước do SCIC làm đại diện ở mức 0,71% xuống 35,29%.

Văn phòng Chính phủ cho biết để có cơ sở trình Thủ tướng xem xét nên yêu cầu các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và Bộ Tư pháp cho ý kiến về vấn đề trên.

Chuyên đề