Cần một logic phát triển mới

(BĐT) - Kinh tế Việt Nam năm 2017 dự báo sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi tình hình thế giới ẩn chứa nhiều biến số và nhiều khó khăn nội tại vẫn còn đó. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nhân dịp đầu năm, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ với Báo Đấu thầu về những biện pháp để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.

Một trong những vấn đề “đau đầu” hiện nay đó là lãng phí, thất thoát, dàn trải, tham nhũng trong đầu tư công. Theo ông, làm thế nào loại bỏ được “căn bệnh” này?

Muốn xử lý được “căn bệnh” này, cần phải hiểu đúng bản chất nguồn gốc sinh ra nó. Căn bệnh này xuất phát từ việc phân bổ không đúng và quản trị không tốt.

Phân bổ không tốt xuất phát từ việc dàn trải. Vì sao lại dàn trải, rõ ràng người ta phải có lợi ích gì họ mới dàn trải chứ. Có một thực tế là nguồn lực của chúng ta mỏng nhưng lại dàn trải “đội” dưới lý do nhiều nơi nghèo nên cần, mỗi nơi được chia một ít rồi sinh ra lãng phí. Phải thay đổi tư duy đi. Không thể cào bằng nữa, mà cần phải tập trung vào những lợi thế. Vế thứ hai của vấn đề đó là khi dự án được phân rồi nhưng anh quản trị không tốt sẽ xảy ra thất thoát, kém hiệu quả. Đôi khi người ta có thể quản trị tốt hơn nhưng người ta không có nhu cầu ấy, cơ chế có lỗ hổng để người ta xà xẻo, kiếm chác, chấm mút.

Cần một logic phát triển mới ảnh 1
TS. Trần Đình Thiên

Từ thực trạng trên đặt ra vấn đề chúng ta cần xử lý như thế nào, khắc phục ra sao?

Việc kỷ luật, kiểm điểm khi dự án kém hiệu quả, thua lỗ là việc làm cần thiết, nhưng chưa đủ. Cần phải có cách tiếp cận triệt để hơn theo hướng đi vào cơ chế, sửa những kẽ hở làm phát sinh tình trạng này. Thực tế hiện nay, Luật Đầu tư công chưa có cách gì để xử lý triệt để “vấn nạn” này. Luật Ngân sách nhà nước không thay đổi, mà vẫn nặng cơ chế xin - cho, chia đều. 

Thất thoát trong đầu tư công, nợ công tăng cao, bội chi ngân sách đáng báo động... Tất cả đang đòi hỏi phải tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Theo ông, tiết kiệm nên bắt đầu từ đâu?

Tiết kiệm là tốt. Nhưng tiết kiệm phải bảo đảm được hiệu quả của hoạt động. Đừng đánh đồng việc tiết kiệm với “nhịn ăn”. Vì tiết kiệm như thế là có hại. Tiết kiệm chỉ đúng khi giảm được sự lãng phí, cắt bỏ được đúng chỗ lãng phí.

Tôi cấp cho anh 100 tỷ, giờ tiết kiệm nên tôi cắt đi 10 tỷ nhưng cái 10 tỷ đó lại làm giảm hiệu quả hoạt động đi nhiều hơn số tiết kiệm được thì đó đâu phải là tiết kiệm. Thậm chí nếu giảm hoạt động nhiều quá thì là lãng phí.

Theo logic ấy, muốn tiết kiệm được thì phải tăng hiệu quả hoạt động lên một số chỗ. Cách tiết kiệm tốt nhất đó là phải bắt đầu từ việc tăng cường kiểm tra, giám sát. Cần có cơ chế giám sát thật tốt để ngân sách được sử dụng một cách hiệu quả nhất, đó là cách bắt đầu tốt nhất. Nếu không làm được việc đó thì sẽ vẫn dàn trải, lãng phí mà thôi. 

Ngoài những vấn đề như dàn trải, lãng phí, tham nhũng…, nội tại nền kinh tế đang còn phải đối mặt với những thách thức lớn nào nữa và hướng xử lý ra sao, thưa ông?

Phải nói rằng chưa có năm nào ngành nông nghiệp gặp bi kịch như năm 2016 khi hạn mặn, lũ lụt rồi hạn hán kéo theo mất mùa, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi. Đặc biệt là vấn đề xâm nhập mặn, nó kinh khủng hơn mọi người nghĩ rất nhiều. Thực chất điều này đang làm thay đổi toàn bộ cấu trúc phát triển của Việt Nam.

Nói về Đồng bằng sông Cửu Long, vùng này sống dựa vào nước ngọt, nay nước ngọt không xuống, nước mặn vào, phù sa không được bồi đắp, cứ thế có gì cũng bị “kéo tuột ra”, khiến cho cả vùng đồng bằng chả mấy chốc bị vỡ hết. Nó bi kịch ở chỗ nước mặn cứ lấn chiếm dần dần, nếu dâng lên 1 lần rồi rút may ra còn chống đỡ được, còn như thế này thì không thể. Phải hiểu ngập mặn nguy hiểm hơn hạn hán rất nhiều, hạn chỉ cần 1 cơn mưa là xong, nhưng để tẩy mặn lại là câu chuyện không hề đơn giản.

Sang năm 2017, thế giới sẽ còn nhiều biến động và xáo trộn lớn, như giá dầu, xu hướng bảo hộ thương mại tác động mạnh đến sản xuất, thu hút vốn FDI của Việt Nam cũng như việc xuất nhập khẩu hàng hoá.

Tôi cho rằng trong năm 2017, sẽ cần một logic phát triển mới, tức là không phải tăng trưởng bằng mọi cách. Không phải cứ tư duy phát triển đồng bằng trong khi những vùng đất ấy đã thay đổi, lợi thế cũ đã không còn. Logic phát triển mới có nghĩa là phải trông cậy vào lực lượng doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên không phải là để doanh nghiệp đông nhưng lại bé li ti. Tôi cho rằng nên tư duy 1 doanh nghiệp mà đất nước có được là tài sản quốc gia, phải được bảo vệ và tạo điều kiện cho nó lớn lên.  

Chuyên đề