Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ tiếp tục quyết liệt cải cách thể chế và tái cơ cấu bộ máy. |
Tại cuộc làm việc mới đây giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Công Thương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đi liền với tinh giản biên chế. Hiện Bộ có tới 30 vụ, cục, 32 trường đại học, cao đẳng, 11 tập đoàn, tổng công ty, với số lượng cán bộ, công chức, người lao động rất lớn.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã cam kết Bộ Công Thương sẽ là một trong những Bộ đi đầu trong tái cơ cấu bộ máy, đổi mới công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Bộ sẽ tái cơ cấu bộ máy gắn với cải cách hành chính, tinh giản biên chế, xây dựng Chính phủ điện tử, cải thiện môi trường kinh doanh. Nghị định mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương sẽ thể hiện tinh thần mới, nâng cao năng lực và kiện toàn đội ngũ.
Nay theo Bộ Công thương, trong đề án mới, cơ cấu tổ chức các cục, vụ chức năng của Bộ sẽ được hợp nhất, điều chuyển cho phù hợp với chức năng quản lý của từng lĩnh vực.
Trong đó, các cục, vụ chức năng sẽ được giữ nguyên bao gồm Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học - công nghệ, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Thanh tra Bộ, Cục xúc tiến thương mại, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, báo Công Thương, tạp chí Công Thương và Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công thương.
Một số cơ quan vẫn giữ nguyên chức năng nhiệm vụ, cán bộ hoặc được nâng cấp lên nhưng được đổi tên là Cục Điều tiết điện lực đổi tên thành Cơ quan Điều tiết điện lực, Cục Công nghiệp địa phương đổi tên thành Cục Khuyến công.
Cục Quản lý thị trường sẽ được nâng cấp là Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin sẽ quản lý thêm về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và đổi tên thành Cục Thương mại điện tử và kinh tế số.
Còn lại, hầu hết các cục, vụ chức năng của Bộ Công Thương đều được xây dựng trên cơ sở hợp nhất hoặc điều chuyển một số lĩnh vực quản lý.
Cụ thể, Vụ kế hoạch sẽ đổi tên thành Vụ Kế hoạch - tài chính, đảm nhiệm các nhiệm vụ về tài chính, nguồn vốn ODA.
Vụ Tổ chức cán bộ sẽ được hợp nhất và quản lý thêm phần việc của Vụ Phát triển nguồn nhân lực. Vụ Thị trường trong nước tiếp nhận nhiệm vụ về thương mại miền núi của Vụ Thương mại biên giới và miền núi. Cục Xuất nhập khẩu tiếp nhận thêm nhiệm vụ về thương mại biên giới.
Hợp nhất một số đơn vị chức năng như Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng sẽ hợp nhất thành Cục Công nghiệp; Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghệp và Viện Nghiên cứu thương mại sẽ hợp nhất thành Viện Chiến lược, chính sách công thương.
Hình thành hai Vụ thị trường châu Á - châu Phi và Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ trên cơ sở hợp nhất Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương với Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á; hợp nhất Vụ Thị trường châu Âu với Vụ Thị trường châu Mỹ.
Vụ Đổi mới và phát triển doanh nghiệp sẽ được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp; quản lý tài chính doanh nghiệp và triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Đáng chú ý trong lĩnh vực quản lý năng lượng, sẽ không duy trì hoạt dộng của Tổng cục Năng lượng mà thành lập mới, chuyển đổi thành các cục, vụ chức năng hoặc điều chuyển một số lĩnh vực quản lý sang các đơn vị khác.
Cụ thể, sẽ hình thành hai Vụ Dầu khí và Than tiếp nhận các nhiệm vụ về dầu khí và than; Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững sẽ tiếp nhận nhiệm vụ về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, công nghiệp môi trường, tiêu dùng xanh…
Cục Điện lực và năng lượng tái tạo sẽ tiếp nhận nhiệm vụ về điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo…
Liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại và quản lý cạnh tranh, sẽ thành lập mới Cục Phòng vệ thương mại, song vẫn giữ nguyên Cục Quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.