Lý giải tình trạng trên, UBND tỉnh An Giang cho rằng, đa số các chủ đầu tư đều đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu để rút ngắn được thời gian lựa chọn nhà thầu và sớm đưa công trình vào sử dụng. Trong khi đó, năng lực của một số đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay và còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.
Mặc dù thừa nhận tình trạng chỉ định thầu trong năm 2017 chiếm tỷ lệ rất cao, nhưng trong báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu mới đây, UBND tỉnh An Giang tuyệt nhiên không đưa ra một giải pháp nào phù hợp để kéo giảm con số này. Tỷ lệ tiết kiệm từ hình thức chỉ định thầu trong năm 2017 đứng ở vị trí gần như thấp nhất so với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, đấu thầu hạn chế trong nước và chào hàng cạnh tranh. Vì vậy, trong năm 2018, UBND tỉnh An Giang không thể xem nhẹ vấn đề này.
Trong báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu công bố gần đây, UBND tỉnh An Giang cho biết, năm 2017, tỉnh thực hiện tổng cộng 3.380 gói thầu, với tổng giá gói thầu được duyệt là 3.037.754,908 triệu đồng, tổng giá trúng thầu là 2.883.221,389 triệu đồng, giảm so với giá dự toán được duyệt là 154.533,519 triệu đồng, tương đương 5,087%.