ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh: Tiên Giang |
Do đó, theo Chiến lược Đối tác quốc gia Việt Nam (CPS) vừa được công bố, ADB sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện hiệu quả chi tiêu công, bao gồm cả cải thiện công tác quản trị chi tiêu công và hệ thống ngân sách.
Đề xuất hỗ trợ 1 tỷ USD/năm
ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng đồng đều và bền vững môi trường hơn. CPS giai đoạn 2016 - 2020 được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội ấn tượng. Đạt được vị thế quốc gia thu nhập trung bình thấp năm 2010, Việt Nam đã có những tiến bộ nhanh chóng trong giảm nghèo và nâng cao chất lượng y tế và giáo dục.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ADB, Việt Nam đang bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn. Tăng trưởng đang gây thiệt hại về môi trường, và Việt Nam có nguy cơ cao trước biến đổi khí hậu, tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động đang bắt đầu giảm dần, đồng thời các nhóm nghèo vẫn còn tồn tại, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Eric Sidgwick khẳng định, để giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết những thách thức này, ADB sẽ hỗ trợ những khoản đầu tư nhằm đạt được 3 kết quả chủ chốt, đó là: thúc đẩy việc làm và khả năng cạnh tranh; tăng cường hạ tầng và cung cấp dịch vụ đồng đều hơn; cải thiện tính bền vững môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
CPS đề xuất duy trì vốn vay của ADB vào khoảng 1 tỷ USD/năm trong khi áp dụng các biện pháp để cải thiện tính sẵn sàng và chất lượng các dự án sẽ được hỗ trợ, cũng như việc thực hiện các dự án hiện tại. “ADB sẵn sàng tăng quy mô hỗ trợ của mình nếu Chính phủ yêu cầu bổ sung thêm các nguồn lực” – ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.
Theo ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế của ADB, định chế tài chính này có nhiều hình thức hỗ trợ cho Việt Nam như cho vay theo từng chương trình, dự án hoặc theo chính sách. Nếu theo chính sách, khoản hỗ trợ của ADB sẽ dựa trên việc đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu của chính sách của Chính phủ hoặc cho vay dựa trên kết quả, các chương trình đã đạt được những thành công nhất định của Chính phủ Việt Nam. Dự kiến, khoảng 70 - 75% nguồn vốn của CPS sẽ được hỗ trợ thông qua các dự án vốn vay, 20 - 25% sẽ là cho vay theo chính sách, 3 - 5% sẽ cho vay dựa trên kết quả, thành công.
Không khoan nhượng với tham nhũng
Theo ông Eric Sidgwick, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tham nhũng cao hơn cả là trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm hàng hóa, dịch vụ, xây lắp. Xác định được điều đó, ADB có những cơ chế đảm bảo an toàn nghiêm ngặt, nhân viên và cán bộ của ADB sẽ phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng những yêu cầu từ phía Chính phủ và cơ quan thực hiện dự án, chương trình của Việt Nam rồi mới tiến hành giải ngân. “Qua nhiều chương trình, dự án ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác mà ADB hỗ trợ, ADB tích lũy được nhiều kinh nghiệm, biết phải phòng ngừa điều gì…” – ông Eric Sidgwick nêu quan điểm.
Ở cấp tổng thể cao hơn, ADB hỗ trợ cho những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện hiệu quả chi tiêu công, bao gồm cả cải thiện công tác quản trị, nhắm hỗ trợ vào những vấn đề vĩ mô và vi mô, trong đó tập trung chủ yếu vào vi mô.
Trong trường hợp có rủi ro tham nhũng, ADB sẽ có những hướng dẫn nghiêm ngặt, đưa danh sách các công ty, doanh nghiệp bị phát hiện tham nhũng vào danh sách đen và “niêm yết” danh sách này trên website của ADB. ADB cũng phối hợp việc này với Ngân hàng Thế giới (WB) trong viêc cấm các công ty, doanh nghiệp này không được tham gia đấu thầu các dự án của ADB và WB.