Hội thảo Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Ảnh: Việt Anh |
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh thông tin này trong lời khai mạc Hội thảo Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam diễn ra sáng ngày 28/11, tại Hà Nội.
Theo bà Tuệ Anh, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang có vị trí quan trọng và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước. Trong giai đoạn 2005-2014, số lượng DN điện tử tăng nhanh từ 256 DN lên 1.021 DN. Số lượng việc làm trong ngành công nghiệp điện tử tăng 7 lần trong vòng 8 năm, từ 46.000 lao động năm 2005 lên 327.000 lao động vào năm 2013 và 500.000 lao động vào năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử cũng đạt những kết quả ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành một trong những xuất khẩu công nghiệp điện tử lớn của thế giới, nhưng đáng tiếc là chủ lực xuất khẩu điện tử vẫn là các DN ngoại, còn các DN trong nước chỉ đang lắp ráp, gia công. Bà Tuệ Anh dẫn chứng, trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu năm 2016 với trị giá hơn 34 tỷ USD thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 99,8%.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Cao Bảo Anh, Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh, quá trình phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng. Trong cơ cấu sản xuất, sản phẩm được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam thì điện tử dân dụng chiếm khoảng 80% với doanh số chiếm khoảng 30% tổng doanh thu toàn ngành. Hiệu suất đầu tư toàn ngành thấp, hệ số ICOR cao hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển ngành công nghiệp điện tử như: Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… Công tác nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm của các DN Việt Nam còn yếu. Do đó, hầu hết cá DN Việt Nam chỉ thực hiện gia công sản phẩm mà chưa thực hiện được các công đoạn “chế biến sâu” trong chuỗi giá trị ngành.