Phát triển KCN, KKT, KCX phải đảm bảo gắn liền với bảo vệ môi trường, công tác an sinh xã hội |
Trong đó, có 397 dự án ĐTNN với số vốn đăng ký đạt 10,1 tỷ USD; 388 dự án ĐTTN, với tổng vốn đăng ký mới đạt 96.900 tỷ đồng. Tính lũy kế, các KCN, KKT đã thu hút được 8.970 dự án ĐTNN với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 187,4 tỷ USD; hơn 9.140 dự án ĐTTN với tổng vốn đăng ký đạt 2.074,5 nghìn tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9/2019 có gần 3,7 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, KKT, trong đó số lao động nữ chiếm khoảng 60%. Trong 327 KCN được thành lập, có 256 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 67.600 ha và 71 KCN đang xây dựng với tổng diện tích khoảng 28.500 ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đang hoạt động đạt gần 75%...
Phát biểu tại Hội nghị giao ban Câu lạc bộ các ban quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc diễn ra mới đây tại Hà Nam với chủ đề “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thu hút, quản lý dự án đầu tư trong các KCN, KKT, khu chế xuất (KCX)”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung cho biết, hiện Bộ KH&ĐT đang triển khai xây dựng Báo cáo tổng kết phát triển KCN, KKT, KCX trong thời gian qua và định hướng phát triển trong thời gian tới. Qua tổng kết, Bộ KH&ĐT thấy rằng, việc phát triển KCN, KKT, KCX trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả như: góp phần đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ KH&ĐT, về cơ bản, các KCN, KKT, KCX vẫn đang phát triển theo chiều rộng, thu hút đa ngành, đa lĩnh vực và vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Các mô hình phát triển của KCN, KKT, KCX chưa có nhiều đổi mới, chưa có các mô hình KCN, KKT, KCX chuyên sâu, hình thành các cụm sản xuất có quy mô trong KCN, KKT, KCX. Tính liên kết giữa các KCN, KKT, KCX còn yếu, nhất là phát triển chuỗi sản xuất hàng hóa, logistics, chưa có tính liên kết vùng và tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong KCN, KKT, KCX chưa cao. Các dự án đầu tư vào KCN, KKT, KCX có trình độ công nghệ ở mức trung bình là chủ yếu. Công tác phát triển hạ tầng xã hội và đời sống người lao động trong KCN, KKT, KCX còn gặp nhiều khó khăn. Công tác bảo vệ môi trường, nhất là kiểm soát nước thải, rác thải, khí thải chưa triệt để, vẫn có các hiện tượng vi phạm về môi trường...
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển KCN, KKT, KCX, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đề nghị các ban quản lý KCN, KKT khu vực phía Bắc tập trung nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền, UBND tỉnh giải pháp khắc phục các hạn chế trong phát triển KCN, KKT, KCX trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành trong công tác xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển KCN, KKT, KCX và phát triển các mô hình mới như: KCN sinh thái, KCN đô thị dịch vụ. Việc phát triển KCN, KKT, KCX phải đảm bảo gắn liền với bảo vệ môi trường, công tác an sinh xã hội.