Tập trung nâng cao chất lượng gỗ chế biến

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, khối lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 11 tháng đầu năm 2017 đã đạt 7,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016... Ngành lâm nghiệp đang có nhiều chính sách để phát triển giá trị lâm sản và nâng cao đời sống của người dân sống bằng nghề rừng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay Mỹ, Trung Quốc, và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm 2017, các thị trường này có thị phần lần lượt là 42,7%, 14,1%, và 13,7%.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Mỹ (18,8%), Hàn Quốc (14,2%) và Canada (13,4%).

Hiện, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam lớn nhất các nước trong khu vực ASEAN, đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn: “Dư địa phát triển ngành này còn rất lớn, khả năng để chúng ta liên kết theo chuỗi gia tăng giá trị bằng việc kéo dài chu kỳ rừng để có gỗ lớn, nâng cao chất lượng gỗ phục vụ chế biến. Chiếm lĩnh được thị trường, phát triển được thị trường về số lượng là tốt, tuy nhiên tôi cho rằng vấn đề cần tiếp tục quan tâm hơn là phải đảm bảo được giá trị gia tăng.”

Ngành lâm nghiệp cũng đề ra chỉ tiêu trong năm 2018, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt sẽ từ 5,5% đến 6,0%; Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 7,9-8,0 tỷ USD. Cùng với đó sẽ duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Hiện nay, ngành lâm nghiệp đang tập trung vào các nhiệm vụ như: quản lý giống, quản lý trồng rừng theo chuỗi liên kết từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn và đây là giải pháp ưu tiên. Đẩy mạnh chế biến sau dăm để giảm tỷ trọng dăm xuất khẩu, bằng việc phát triển chế biến viên nén, gỗ ghép, MDF... Cùng với đó không để việc lợi dụng các chính sách thuế như thực hiện tạm nhập tái xuất, dẫn đến có thể tăng trưởng bong bóng về thành tích nhưng không lợi về ngân sách mà có rủi ro về thương mại.

Ngành lâm nghiệp cũng đang tiếp tục tái cơ cấu về liên kết chuỗi. “Trước hết là cơ chế để doanh nghiệp kinh doanh, chế biến với hộ chủ rừng theo mô hình liên kết bền vững. Cùng với đó phải thực hiện mạnh việc sắp xếp các công ty lâm nghiệp, hiện đang quản lý khoảng 1,8 triệu ha đất lâm nghiệp. Phải sắp xếp đồng bộ theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Chuyên đề