Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam

Nhập siêu từ Hàn Quốc 9 tháng đạt 23,3 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với cách đây 2 tháng. 
Hàn Quốc tiếp tục soán ngôi Trung Quốc, là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.
Hàn Quốc tiếp tục soán ngôi Trung Quốc, là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội 9 tháng 2017 diễn ra sáng 29/9, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt 19 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ 2016. Tính chung 9 tháng xuất khẩu đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%.

Nhập khẩu tháng 9 đạt 18,6 tỷ USD; tính chung 9 tháng là 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ.

Như vậy, Việt Nam nhập siêu 442 triệu USD trong 9 tháng, góp phần lớn vào con số này là khu vực trong nước với 18,08 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 17,64 tỷ USD.

"Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam khi nhập siêu 9 tháng lên tới 23,3 tỷ USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ 2016", ông Nguyễn Bích Lâm nói. Mức thâm hụt thương mại này tăng gần 7,4 tỷ USD so với cách đây 3 tháng.

Thị trường nhập siêu lớn thứ 2 của Việt Nam là Trung Quốc với 19,7 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ; từ ASEAN là 4,6 tỷ USD.

Chia sẻ trước đó với VnExpress, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, áp lực nhập siêu từ Hàn Quốc đã được cảnh báo từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực năm 2015. Ông Long cho rằng cốt lõi vấn đề vẫn nằm ở khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chưa tận dụng được lợi thế mà VKFTA đem lại.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã làm khá tốt điều này. Ông Long phân tích, về bản chất các FTA sẽ tạo cơ hội giao thương giữa 2 thị trường, song do năng lực của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc chủ yếu là nông – thủy sản nên giá trị không cao. Điều này dẫn tới việc khi nhiều FTA đi vào hiệu lực, nhập siêu từ các thị trường khác có xu hướng gia tăng.

Cũng tại họp báo, đề cập tới tốc độ tăng trưởng, ông Nguyễn Bích Lâm thông tin, GDP 9 tháng tăng 6,41% so với cùng kỳ. Trong đó quý I tăng 5,15%, quý II 6,28% và quý III là 7,46%. 

“Đây là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay”, ông Lâm nói.

Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trên là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,78%; dịch vụ là 7,25% và chế biến chế tạo tăng 7,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên ngành khai khoáng vẫn tiếp tục lao dốc khi giảm tới 8,1%, làm giảm 1,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,59% so với tháng trước. Bình quân 9 tháng CPI tăng 3,4% so với cùng kỳ 2016; tăng 1,83% so với tháng 12/2016. 

Chuyên đề