Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng khi đáp ứng các điều kiện sau:
1- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
2- Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 7 năm trở lên;
Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 5 năm trở lên;
Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 3 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 5 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
3- Đạt yêu cầu sát hạch về kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.
Tại dự thảo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hạng II và hạng III được đề nghị “nới” như sau: Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 4 năm trở lên; hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 2 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 3 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
Điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động xây dựng
Cũng tại dự thảo, Bộ Xây dựng đề xuất điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động xây dựng như sau: Trường hợp các gói thầu thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam, nhà thầu nước ngoài phải đảm bảo điều kiện đã có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu.
Trường hợp các gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc áp dụng theo quy định pháp luật về đấu thầu của Việt Nam, nhà thầu nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện sau: Đã có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư; có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu. Khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam phải phân định rõ nội dung, khối lượng và giá trị phần công việc do nhà thầu Việt Nam trong liên danh; nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện.
Nhà thầu nước ngoài phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.