Điểm lại 4 năm liên tiếp thực hiện Nghị quyết 19, với sự góp sức của báo chí, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự khác biệt |
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh nhận xét này trong cuộc trò chuyện với Báo Đấu thầu khi đề cập về vai trò của báo chí trong việc thực hiện các cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sức ép thực hiện tốt các mục tiêu tại Nghị quyết 19
Trong thời gian qua, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN), báo chí đã trở thành cầu nối quan trọng trong việc truyền tải những kết quả, tiếng nói của người dân, doanh nghiệp (DN)… vào các hội nghị, hội thảo của Chính phủ. Những ý kiến này đã được Chính phủ lắng nghe, tiếp thu và thay đổi. Rõ ràng, nếu không có báo chí thì có thể nói việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam khó đạt được kết quả như thời gian vừa qua.
Điểm lại 4 năm liên tiếp thực hiện Nghị quyết 19, với sự góp sức của báo chí, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự khác biệt. Thứ nhất, môi trường kinh doanh Việt Nam được thăng hạng trên tất cả các khía cạnh. Trong đó, năm 2017 là năm ấn tượng nhất với mức tăng tới 14 bậc, là năm cải thiện nhiều nhất trong 10 năm qua. Ngoài ra, năm 2017, Moondy’s, Standards and Poor’s và Fitch cũng đã tăng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, trong đó Moondy’s và Fitch nâng xếp hạng từ ổn định lên tích cực.
Đến nay, nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, hàng nghìn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giấy phép con bất hợp lý đã được bãi bỏ, tạo niềm tin cho DN. Năm 2016, lần đầu tiên, số DN thành lập mới đạt con số kỷ lục với hơn 110 nghìn. Số lượng DN thành lập mới tiếp tục tăng cao trong năm 2017 với gần 127.000 DN và dự kiến sẽ đạt khoảng 135.000 DN thành lập mới trong năm 2018.
Quan trọng hơn, đó là nâng cao được ý thức, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 19 được xem như là một trong những công cụ, động lực để thúc đẩy tăng trưởng. Trước đây, bộ, ngành và địa phương thường rất thụ động, nhưng giờ đây, rất nhiều bộ, ngành, địa phương đã chủ động thực hiện hàng loạt giải pháp thuộc thẩm quyền của mình để cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đã có một sự thi đua giữa các tỉnh và giữa các bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương cũng trở nên rõ ràng hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình về cải cách hành chính, cải thiện thể chế... Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN của Chính phủ đã đi đúng hướng.
Như ông vừa nói thì ít nhiều báo chí, công luận đã tạo ra sức ép để tạo ra sự thay đổi?
Đúng thế! Để đạt được kết quả trên rõ ràng là có sức ép từ nhiều phía. Đầu tiên, đó là sức ép đến từ Thủ tướng trong việc quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy liên tục quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thứ hai là sức ép theo dõi đánh giá thực hiện Nghị quyết giữa bộ này, bộ kia. Thứ ba là sức ép của truyền thông và thứ tư là sức ép từ thực tiễn DN đòi hỏi phải thay đổi. Tất cả những sức ép phối hợp với nhau tạo thành liên minh thúc đẩy cho cải cách.
Tăng cường giám sát và phản biện chính sách
Một trong những chức năng của báo chí qua đó tạo dựng niềm tin với công chúng đó là phản biện. Trong việc xây dựng môi trường kinh doanh, báo chí đã thể hiện như thế nào?
Báo chí đã thông tin toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và đặc biệt báo chí có vai trò rất quan trọng trong phản biện đối với chính sách. Thông qua thông tin trên báo chí, Chính phủ và các cơ quan nhà nước lắng nghe ý kiến của DN, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. Bởi thế, thời gian qua đã có hàng ngàn điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính bất hợp lý gây khó khăn, tốn kém chi phí cho DN, người dân đã được các bộ ngành cắt giảm và cam kết cắt giảm. Quý I/2018, cả nước đã có 738 điều kiện kinh doanh được cắt giảm và đơn giản hóa.
Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu năm 2018 cắt bỏ được 50% số điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây khó khăn cho DN như Nghị quyết 19 - 2018 đặt ra, rất cần sự tham gia nhiều hơn nữa của các cơ quan truyền thông, báo chí. Cùng với đó, chính cơ quan truyền thông, báo chí cũng phải là người giám sát để hạn chế tới mức tối đa việc các rào cản kinh doanh “mọc” trở lại.
Việc giám sát và phản biện của báo chí đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thưa ông?
Báo chí cần phải theo dõi, phản ánh sát sao về hoạt động thực thi chính sách cải thiện môi trường kinh doanh của các bộ, ngành, địa phương. Để làm được điều này, các nhà báo chuyên trách phải không ngừng học tập, nâng cao năng lực chuyên môn để có được những bài viết hay, phản ánh chính xác, kịp thời tiếng nói của người dân, DN về các vấn đề trong môi trường kinh doanh.
Tôi cũng lưu ý là, báo chí khi đưa những tin có tác động xấu cần "khoanh" rõ địa điểm cụ thể, không đưa chung chung gây hoang mang trong nhân dân. Các nhà báo luôn phải cân nhắc tác động của thông tin khi tác nghiệp, hay nói cách khác là chú ý kỹ năng và đề cao đạo đức người làm báo khi đưa tin.
Theo ông, các cơ quan xây dựng chính sách cần thể hiện sự cầu thị trong tiếp nhận thông tin từ báo chí như thế nào?
Báo chí được ví là cơ quan quyền lực thứ tư trong xã hội. Với cơ quan quản lý nhà nước, việc lắng nghe ý kiến phản ánh của báo chí trong quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật là rất cần thiết, rất quan trọng nhằm ban hành được những chính sách phù hợp với thực tiễn. Đây là một kênh thông tin rất hữu ích.
Gần đây chúng ta nói nhiều đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0). Tuy nhiên, nhận thức của nhiều DN, nhiều ngành về cuộc cách mạng đó dường như chưa được thay đổi. Thưa ông, vai trò của báo chí trong câu chuyện này như thế nào?
CMCN4.0 là cuộc cách mạng số, trí tuệ nhân tạo làm thay đổi hẳn cách thức chúng ta sống, tổ chức sản xuất kinh doanh, kết nối với nhau. Nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện, do đó khi xây dựng chính sách pháp luật, nhất là những dự luật phục vụ cho tương lai thời CMCN4.0 thì phải tiếp cận theo hướng về mặt kinh doanh phải khuyến khích sáng tạo, nuôi dưỡng sáng tạo. Nếu không có sáng tạo thì sẽ không có CMCN4.0, đặc biệt là sáng tạo nên những cách làm mới, công nghệ mới…
Thứ hai là, về mặt quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy, tức là không phải quản theo lối như lâu nay theo kiểu có năng lực tới đâu thì thiết kế điều luật quản tới đó, quản theo lối cứ can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Chúng ta phải quản lý vì phát triển, quản lý phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển, khi đó buộc cơ quan quản lý nhà nước phải nâng cao năng lực, có áp lực nâng cao năng lực, lúc đó người quản lý sẽ sáng tạo ra những cách làm mới, phương thức mới. Trong quá trình cải cách này rất cần sự tham gia của báo chí để chúng ta có thể nắm bắt được những cơ hội mà CMCN4.0 mang lại.
Xin cám ơn ông!