VIB: Tăng vốn khủng, cẩn trọng với mảng kinh doanh tín dụng tiêu dùng

(BĐT) - Vài năm trở lại đây, hoạt động tài chính cho khách hàng cá nhân đang ngày càng nở rộ và sôi động với đa dạng các gói tín dụng tiêu dùng. Mặc dù có rủi ro cao nhưng với lãi suất hấp dẫn, lĩnh vực này đang giúp các ngân hàng “hái” ra tiền. các ngân hàng đều sở hữu cho mình các công ty tài chính, như VPBank sở hữu FE Credit, HDBank sở hữu HD Saison, hay mới đây nhất SeaBank mua lại Công ty Tài chính Bưu điện. Tuy nhiên, VIB Bank vẫn chưa gấp rút tham gia thị trường này.
Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB.
Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB.

Chưa vội

Đây là chia sẻ của ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB tại đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng này diễn ra vào sáng ngày 29/3. Ông Vỹ cho biết thêm, mặc dù, VIB cũng đã để ý đến lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, tuy nhiên, chiến lược dài hạn của VIB là cân bằng chất lượng tốt và tăng trưởng về quy mô. Việc cho vay lãi suất cao như tín dụng tiêu dùng có rủi ro lớn và chỉ mang tính ngắn hạn và trung hạn.

Hơn nữa, hoạt đông tín dụng bán lẻ của VIB đang tăng trưởng tốt. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của mảng này năm 2017 đạt 83%. Đặc biệt, sản phẩm cho vay mua nhà và ô tô của VIB hiện đang nằm ở nhóm cạnh tranh nhất thị trường. Còn riêng quý 1/2018 mảng bán lẻ của VIB đã tăng trưởng khoảng 13%. Với xu hướng càng về cuối năm càng tăng mạnh, VIB nghĩ rằng có thể đạt được con số tăng trưởng ở mảng này lên đến 83% hoặc 100% nếu room của ngân hàng nhà nước cho phép. Vì vậy, VIB hiện nay đang có rất nhiều sự lựa chọn với những sản phẩm truyền thống như cho vay mua nhà, ô tô, bancassurance,….

Việc không tham gia vào lĩnh vực tiêu dùng cũng phần nào ảnh hưởng tới thu nhập từ lãi biên (NIM) của VIB. Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, NIM của VIB năm 2017 khá thấp so với các ngân hàng khác.

Năm 2017, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 26%. Trong đó, riêng với mảng ngân hàng bán lẻ, tăng trưởng tín dụng đạt 83%, tỷ lệ nợ xấu khối ngân hàng bán lẻ ở mức 0,9%. Tích cực giải ngân cho vay ô tô, thị phần trong năm qua của ngân hàng thuộc nhóm dẫn đầu cho vay bán mới ô tô với tỷ lệ 11%. Số lượng thẻ tín dụng và doanh thu từ bancasuance tăng trưởng lần lượt 78% và 45%.

Hiện tại, thu nhập của VIB đang phụ thuộc lớn vào tín dụng với tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động lên đến gần 85%. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên đến 26% đã đóng góp rất lớn vào mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 100% trong năm 2017 (từ 702 tỷ đồng lên 1.405 tỷ đồng).

Tăng vốn để phục vụ hoạt động tín dụng

Về kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức hơn 5.600 tỷ đồng lên 8.100 tỷ đồng, việc tăng vốn sẽ được triển khai làm hai đợt. Đợt 1 là chào bán và phát hành riêng lẻ cổ phiếu mới cho nhà đầu tư tối đa là 10% vốn điều lệ, tức khoảng hơn 56 triệu cổ phần. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Đợt hai là chia cổ phiếu thưởng từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ phát triển, lợi nhuận để lại và thặng dư vốn cổ phần, mức tối đa không quá 2.455 tỷ đồng tương đương hơn 245 triệu cổ phần. Đối tượng là các cổ đông hiện hữu của VIB tính đến thời điểm chia cổ phiếu thưởng.

Nguồn vốn tăng lên (2.455 tỷ đồng), dự kiến sẽ chủ yếu dùng để tăng cấp tín dụng (1.455 tỷ đồng). Còn lại, VIB dự kiến dùng 600 tỷ đồng để mua trái phiếu (đầu tư tài sản thanh khoản), còn lại đầu tư công nghệ, mở rộng mạng lưới.

Chuyên đề