Tập đoàn Công nghiệp Cao su có gì trước IPO?

(BĐT) - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất từ trước đến nay thực hiện cổ phần hoá. Đợt IPO của tập đoàn này sẽ diễn ra vào ngày 2/2 với hơn 475 triệu cổ phần được bán ra công chúng, tương đương 11,88% vốn điều lệ. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Có tình hình tài chính lành mạnh và quỹ đất nông nghiệp dồi dào, song những rủi ro đến từ biến động giá cao su thiên nhiên vẫn khiến các nhà đầu tư băn khoăn.

Rủi ro giá cao su thiên nhiên

Trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2016, hoạt động kinh doanh của VRG trồi sụt khá thất thường. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm sút từ năm 2013 đến 2015. Đây cũng là thời điểm giá cao su thiên nhiên liên tục lao dốc, cụ thể sau khi lập đỉnh vào tháng 1/2011 với giá 526,4 JPY/kg thì liên tục sụt giảm xuống mức thấp nhất vào tháng 1/2016 với giá 146,4 JPY/kg. Giá cao su phục hồi vào đầu năm 2017 đã giúp lợi nhuận của Tập đoàn tăng trở lại trong năm 2016 và 2017. Biến động giá cao su trên thị trường thế giới là rủi ro lớn nhất tác động lên kết quả kinh doanh của tập đoàn này.

Theo bản công bố thông tin, Tập đoàn ước doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm 2017 lần lượt là 18.260 tỷ đồng và 3.060 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 9% so với năm 2016. Còn theo Báo cáo tài chính bán niên năm 2017 – báo cáo mới nhất của VRG được công bố tính đến thời điểm này, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2017 đạt lần lượt 8.115 tỷ đồng và 1.526 tỷ đồng, tăng lần lượt 46% và 169% so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, từ năm 2013 - 2017, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn giảm dần, từ 71,67% xuống còn 57,3% (tại thời điểm 31/6/2017). Các chỉ số thanh khoản tốt như chỉ số thanh toán hiện hành ở mức 1,67 và chỉ số thanh toán nhanh đạt 1,24.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2013 - 2017 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Đơn vị tính: tỷ đồng)

Quỹ đất nông nghiệp dồi dào

Trước cổ phần hóa, theo thống kê, tổng diện tích đất mà toàn Tập đoàn Cao su đang quản lý và sử dụng là gần 520 nghìn ha. Trong đó, quỹ đất của Công ty mẹ - Tập đoàn, 20 công ty nông nghiệp và 4 đơn vị sự nghiệp là hơn 244 nghìn ha, bao gồm hơn 239,5 nghìn ha đất nông nghiệp và 4,7 nghìn ha còn lại thuộc đất phi nông nghiệp, phân bổ trên 18 tỉnh, thành cả nước. Tổng diện tích đất tập trung chủ yếu tại khu vực miền Đông Nam Bộ với tỷ trọng chiếm hơn 46%.

Trong 4,7 nghìn ha đất phi nông nghiệp có hơn 973 ha đất thuộc đối tượng rà soát. Cụ thể, 973 ha đất trên được tách thành 583 thửa với 868 cơ sở nhà cửa, vật kiến trúc gắn với đất. Trong đó, 354 thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 199 thửa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (không có tranh chấp), 30 thửa còn lại chưa hoàn thành thủ tục pháp lý trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Gia Lai…

Ngoài ra, Tập đoàn còn sở hữu hơn 275 nghìn ha đất khác, gồm 261,7 nghìn ha đất nông nghiệp và 13,3 nghìn đất phi nông nghiệp thuộc sở hữu của các công ty mà Công ty mẹ - Tập đoàn đầu tư, góp vốn. Trong đó, tổng diện tích đất ở Lào và Campuchia là 149,5 nghìn ha.

Theo tính toán, vốn điều lệ sau cổ phần hóa của Tập đoàn Cao su là 40.000 tỷ đồng. Theo đó, Tập đoàn sẽ chào bán công khai hơn 475 triệu cổ phần, tương đương 11,88% vốn điều lệ trong đợt IPO. Cổ phần bán ưu đãi chào bán cho cán bộ công nhân viên và cho tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp lần lượt là 1,22% và 0,02% vốn điều lệ. Nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm giữ 11,88% vốn điều lệ (hơn 475 triệu cổ phần). Nhà nước tiếp tục nắm giữ 75% vốn điều lệ, tương đương với 3 tỷ cổ phần.

Với mức giá khởi điểm là 13.000 đồng/cổ phần, vốn hóa của Tập đoàn Cao su dự kiến đạt 52.000 tỷ đồng và lượng cổ phần đấu giá có giá trị gần 6.200 tỷ đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư