Sức ép tăng lãi suất là có, nhưng chưa lớn

Áp lực lạm phát dự kiến tiếp tục gia tăng do điều chỉnh tăng lương cơ sở, giá dịch vụ y tế, giáo dục, tỷ giá ghi nhận những biến động khá mạnh ngay từ đầu tháng 7... đang khiến lãi suất chịu sức ép tăng.
Nhiều ngân hàng âm thầm tăng lãi suất huy động từ cuối tháng 6
Nhiều ngân hàng âm thầm tăng lãi suất huy động từ cuối tháng 6

Chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ lãi suất trong quý II

Một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thanh khoản thị trường tiền tệ liên ngân hàng tiếp tục duy trì trạng thái khá dồi dào trong phần lớn thời gian của quý II/2018.

Mặt bằng lãi suất sau khi tăng nhẹ lên mức 1,6-1,8%/năm với kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần trong giai đoạn cuối tháng 4 và đầu tháng 5, thì đã nhanh chóng giảm trở lại về mức 0,8-1%/năm tại thời điểm cuối tháng 6/2018.

Như vậy, bình quân cả quý II/2018, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 1,42%, giảm 0,5% so với quý I và thấp hơn 2,4% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị giao dịch bình quân phiên quý II/2018 đạt khoảng 31.100 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với giá trị giao dịch của quý I, tập trung chủ yếu ở kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần (chiếm khoảng 76% tổng khối lượng giao dịch).

Đà giảm của lãi suất trên thị trường 2 hỗ trợ thị trường 1 cùng giảm. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn: Giảm 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 1-5 tháng và 12-36 tháng, giảm 0,3 điểm phần trăm kỳ hạn 6-7 tháng và giảm 0,4 điểm phần trăm kỳ hạn 8-11 tháng.

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) giảm về 5-5,1%/năm so với mức 5,5%/năm vào tháng 1/2018; các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng giảm từ 0,2-0,4%/năm so với đầu năm 2018…

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, diễn biến lãi suất VND giảm nhờ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng linh hoạt, với mức bơm ròng hơn 96.000 tỷ đồng trong tháng 4 và tháng 5, dù tháng 6 đã hút ròng mạnh dòng tiền về.

Huy động vốn tăng trưởng khá mạnh trong quý II/2018, với mức tăng hơn 4,5% và tăng cao hơn 1,5% so với tín dụng, kéo theo chênh lệch huy động vốn - tín dụng VND mở rộng khoảng 70.000-80.000 tỷ đồng. Số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng thương mại trong quý II/2018 vẫn duy trì ở mức khá cao so với cùng kỳ các năm trước, góp phần gia tăng nguồn vốn khả dụng cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Điểm tựa thanh khoản

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các lãnh đạo ngân hàng thương mại đều chung nhận định rằng, thanh khoản thị trường tiền tệ liên ngân hàng quý III/2018 vẫn khá ổn định, nhưng mức độ dư thừa sẽ giảm bớt so với quý II do áp lực lạm phát dự kiến tiếp tục gia tăng và biến động trên thị trường ngoại hối ngay từ đầu tháng 7 sẽ kéo theo động thái điều hành của chính sách tiền tệ tiếp tục theo hướng chặt chẽ hơn.

Theo đó, lãi suất kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần dự kiến dao động chủ yếu trong khoảng 1,2-2%/năm với kỳ hạn 1 tuần và kỳ hạn 3 tháng dao động trong khoảng 2,5-3%/năm.

“Áp lực lạm phát gia tăng là hiện hữu. Do vậy, chính trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện động thái thắt chặt tiền tệ thông qua việc hút tiền qua kênh tín phiếu cả về khối lượng, kỳ hạn và lãi suất, với mức hút ròng hơn 84.000 tỷ đồng riêng trong tháng 6”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần trong miền Nam chia sẻ.

Thực tế, áp lực lạm phát dự kiến tiếp tục gia tăng do điều chỉnh tăng lương cơ sở, giá dịch vụ y tế, giáo dục, tỷ giá đã có những biến động khá mạnh ngay từ đầu tháng 7 trong bối cảnh nhu cầu ngoại tệ gia tăng và biến động trên thị trường quốc tế.

Theo đó, định hướng điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chuyển dịch theo hướng tập trung hơn vào các mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá thông qua các biện pháp như tăng cường hút tiền qua kênh tín phiếu, hay bán USD cho các ngân hàng thương mại. Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán trên thị trường 1 cho thấy, khá nhiều ngân hàng đã âm thâm “dâng” lãi suất huy động ngay từ cuối tháng 6.

Mặc dù vậy, "điểm tựa" để lãi suất được kỳ vọng vẫn ổn định là nguồn cung vốn dự trữ cho thanh khoản thị trường tại thời điểm đầu quý III/2018 được nhận định vẫn ở mức khá, bao gồm 145.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn và 58.000 tỷ đồng dòng tiền về từ hoạt động bán USD của Ngân hàng Nhà nước trong những tuần qua.

Số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại có thể giảm khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng, nhưng vẫn ở mức cao khoảng160.000-180.000 tỷ đồng do triển vọng cân đối thu - chi ngân sách nhà nước vẫn khá tích cực trong bối cảnh chưa có những thay đổi lớn về mặt chính sách.

“Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại dự kiến chưa có đột biến so với giai đoạn 6 tháng đầu năm, đạt khoảng 3-3,5% trong quý III/2018, tương đương với tốc độ tăng trưởng huy động vốn.

Tuy nhiên, 2 yếu tố rủi ro lớn nhất đối với lãi suất VND mà chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới là chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng thương mại”, Nhóm nghiên cứu Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV nhận định.

Chuyên đề