Phân loại ngân hàng để làm gì?

Nếu như ngân hàng đặt sự phân loại đối với khách hàng, thì Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra tiêu chí phân loại các ngân hàng. Ngân hàng phân loại khách hàng để xác định các điều kiện cho vay đối với từng khách hàng. Còn với Ngân hàng Nhà nước, câu hỏi đặt ra là phân loại ngân hàng nhằm mục đích gì?
Phân loại ngân hàng để làm gì?

Một thời kỳ dài không có sự phân loại

Sau một thời kỳ thiết lập, cho đến cuối năm 2010, lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam chứng kiến sự tồn tại của hàng chục ngân hàng cổ phần đô thị với đặc điểm tương tự nhau trong việc xác lập các mục tiêu thị phần. Thời kỳ này, Ngân hàng Nhà nước quản lý các ngân hàng chủ yếu dựa trên hành lang pháp lý là các khuôn khổ giới hạn, hạn mức.

Các ngân hàng thương mại khá thoải mái trong hoạt động kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước chưa áp dụng nhiều biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào việc kinh doanh của các ngân hàng. Đặc biệt, vấn đề phân loại các ngân hàng trên thực tế chưa được đặt ra thành hành động từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Hậu quả là thời kỳ này chứng kiến tình trạng thật giả lẫn lộn của giới ngân hàng. Có những ngân hàng phô trương thương hiệu bề ngoài, bỏ mặc quản lý rủi ro bên trong. Có nhiều ngân hàng vốn điều lệ to, nhưng sức khỏe tài chính yếu. Lại có những ngân hàng bao nhiêu tổng tài sản huy động, thì bấy nhiêu đó là dư nợ xấu của cổ đông trọng yếu. Nhưng không có một cơ sở pháp lý nào phân định được rõ từng loại ngân hàng đối với hàng chục ngân hàng tồn tại trong thời kỳ này.

Phân loại như hiện nay để làm gì?

Cho đến cuối năm 2010, cả giới ngân hàng đều nhận ra chất lượng của cả ngành đi xuống không bởi những ngân hàng dẫn đầu. Tác nhân chính là các ngân hàng nhỏ, yếu với tình trạng tài chính yếu kém.

Từ năm 2011 trở đi, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu triển khai nhiều giải pháp để nắm bắt thực lực tài chính của các ngân hàng, thậm chí áp dụng nhiều biện pháp hành chính trong khâu quản lý. Một ví dụ, để lách luật cho vay, nhiều ngân hàng thường ẩn khoản vay dưới dạng một khoản phải thu.

Thời kỳ này, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải giải trình ngay trong ngày phát sinh khoản phải thu. Vậy là Ngân hàng Nhà nước có thể nắm rõ bản chất của những khoản mục tài chính từ mỗi ngân hàng. Việc phân loại tốt xấu các ngân hàng đã có nhiều cơ sở thực tiễn đối với Ngân hàng Nhà nước.

Đến năm 2017, Ngân hàng Nhà nước công bố Dự thảo Thông tư về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo dự thảo, các ngân hàng sẽ được phân thành 5 hạng từ tốt đến yếu kém theo thứ tự: A, B, C, D, E.

Cơ sở để phân hạng là cách tính điểm theo tiêu chí: Mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường, khả năng thanh khoản, kết quả hoạt động kinh doanh, quản trị điều hành và quan trọng nhất là chất lượng tài sản và vốn của mỗi ngân hàng.

Dự thảo này thực chất được hình thành từ thực tiễn quản lý phân loại các ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành suốt chặng thời gian trước đó.

Tuy nhiên, nhìn vào cách quản lý các ngân hàng dựa trên kết quả phân loại thời gian qua, câu hỏi đặt ra là Ngân hàng Nhà nước phân loại để làm gì?

Thực tế, hệ thống ngân hàng vẫn đang tồn tại những ngân hàng có sức khỏe tài chính rất yếu, có độ rủi ro thanh khoản rất cao, nhưng vẫn có tốc độ tăng trưởng huy động vốn rất nhanh. Một ngày nào đó trong tương lai sẽ cho thấy, nếu áp đúng chuẩn từ Dự thảo Thông tư xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng này thực chất yếu kém.

Dù vậy, người gửi tiền vẫn tới những ngân hàng này vì lãi suất huy động cao, với niềm tin ở Việt Nam, ngân hàng mà phá sản thì cùng lắm cổ đông mất vốn, người gửi tiền sẽ không bao giờ mất tiền. Được bảo trợ với niềm tin ấy, một số ngân hàng yếu kém vẫn đang đẩy các ngân hàng tốt miễn cưỡng tham gia cuộc đua tăng lãi suất. Vậy, việc phân loại ngân hàng có ý nghĩa gì?

Bởi cách quản lý bằng quá nhiều biện pháp hành chính như hiện nay từ phía Ngân hàng Nhà nước, việc phân loại các ngân hàng có thể nói "có cũng như không". Dường như Ngân hàng Nhà nước ngày càng "ưa thích" áp dụng các biện pháp hành chính hơn các nguyên tắc quản lý tự chủ trước đây đối với các ngân hàng.

Khi áp dụng nhiều biện pháp hành chính trong việc quản lý, phần dễ dàng thuộc về Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, phần khó khăn sẽ thuộc về các ngân hàng, họ gặp khó trong việc duy trì động lực, năng lực sáng tạo cạnh tranh do bị đánh đồng từ các biện pháp quản lý hành chính.

Một ví dụ thực tiễn, đó là biện pháp hành chính quản lý bằng trần giới hạn tăng trưởng tín dụng. Mỗi ngân hàng sẽ nhận được từ Ngân hàng Nhà nước một tỷ lệ trần giới hạn tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ đó phổ biến từ 10-14% giới hạn mức tăng trưởng so với quy mô tín dụng của năm trước liền kề.

Tất nhiên, có những ngân hàng sẽ bị tiết giảm mức giới hạn tăng trưởng tín dụng, thậm chí bằng 0%. Điều đáng nói, trong số những ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng khá tương tự nhau, có những ngân hàng thực tốt và có những ngân hàng thực yếu kém.

Dù cách quản lý như trên vẫn đang tồn tại bất thành văn, nhưng tương lai sẽ cho thấy, thực tiễn trên đang tồn tại. Rốt cuộc, việc phân loại ngân hàng nhằm mục đích gì?

Chuyên đề