Ảnh minh họa: Internet |
Bất cập trong chống chuyển giá
PGS.TS. Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế - Hải quan của Học viện Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2015 – 2017, có khoảng 50% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều DN khai lỗ trong nhiều năm liền.
“Kêu” lỗ là vậy, song nhiều DN vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, đây là một điều khó hiểu và không loại trừ khả năng chuyển giá.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục thuế, trong năm 2016, Cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra 84.472 công ty, truy thu 17.164 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, thanh tra giá chuyển nhượng (GCN) 329 trường hợp, với số thuế bị truy thu và tiền phạt chậm nộp là 607,52 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lỗ 5.612,21 tỷ đồng.
Trong năm 2017, qua thanh, kiểm tra 734 DN có hoạt động giao dịch liên kết, cơ quan thuế đã truy thu, truy hoàn và phạt hơn 2.270 tỷ đồng, giảm lỗ 7.416 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 4.134 tỷ đồng.
Những vụ đấu tranh chống chuyển giá thành công có thể đến là các DN FDI sản xuất, kinh doanh chè ở Lâm Đồng, Keangnam, Hualon Corporation Việt Nam... Điển hình như Metro Việt Nam chuyển lỗ thành lãi một cách ngoạn mục, từ mức lỗ 1.657 tỷ đồng chuyển thành lãi 879 tỷ đồng và mức truy thu thuế lên tới 507 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, số DN bị phát hiện, xử lý và truy thu thuế thời gian qua mới chỉ là con số rất nhỏ so với thực tế. Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành. Quá trình hội nhập quốc tế thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia, nhưng cũng xuất hiện nhiều thách thức mới, đặc biệt là công tác chống thất thu ngân sách. Chuyển giá không những là một hình thức thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác.
Cần đồng bộ quy trình thanh, kiểm tra
Hình thức chuyển giá phổ biến mà các DN thường sử dụng, theo ông Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) có 4 nhóm chủ yếu.
Một là chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư, tức là thống nhất đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai.
Hai là chuyển giá ẩn trong thu nhập, có giá giao dịch không theo giá thị trường làm giảm nghĩa vụ thuế.
Ba là chuyển giá đa chiều. Các công ty có liên quan thỏa thuận giao dịch không theo giá thị trường nhằm làm đẹp giả tạo tình hình tài chính của nhau và làm thất thu thuế.
Bốn là chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác. Đây là hình thức phổ biến nhất hiện nay về chuyển giá cần có biện pháp hữu hiệu để tăng thu cho ngân sách, tránh thất thoát thuế do hành vi chuyển giá gây nên.
Nhiều ý kiến nhận định rằng, chuyển giá chỉ xuất hiện trong điều kiện nhất định như: có sự chênh lệch về thuế suất thuế TNDN giữa các quốc gia khác nhau; có quy định nhiều mức thuế suất TNDN với những đối tượng khác nhau trong một quốc gia; có các quy định về miễn, giảm thuế TNDN có thời hạn. Đặc biệt nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài, cần xây dựng Luật Chống chuyển giá, đồng thời cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan.
Sở dĩ số vụ việc chuyển giá được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra chưa nhiều, theo PGS.TS. Lê Xuân Trường, một mặt là do cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước lạc hậu không đáp ứng yêu cầu quản lý, không thu thập được đầy đủ thông tin. Mặt khác, cuộc đấu tranh chống chuyển giá thông qua kiểm soát giao dịch liên kết chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Hành lang pháp lý về chống chuyển giá chưa hoàn thiện, chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng. Hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế nói chung và phục vụ cho hoạt động chống chuyển giá nói riêng chưa được xây dựng.
Ông Hoàng Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, thực tế còn có nhiều vấn đề vướng mắc nảy sinh trong các cuộc thanh, kiểm tra. Chẳng hạn như cơ quan thuế chưa có quy trình thanh tra chuyên biệt đối với thanh tra GCN, dẫn tới việc thực hiện không đồng nhất giữa các địa phương. Cơ quan thuế và DN cũng có những quan điểm không thống nhất về việc lựa chọn các đối tượng độc lập được lựa chọn để so sánh làm cơ sở xác định GCN, sử dụng cơ sở dữ liệu để làm căn cứ ấn định, điều chỉnh thu nhập chịu thuế của DN, gây ra tranh cãi giữa người nộp thuế và cơ quan thuế... Do đó, để xây dựng một hệ thống quản lý thuế hiện đại, hiệu quả, minh bạch, cần thiết phải có sự phối hợp và thực hiện hiệu quả các giải pháp từ DN lẫn cơ quan thuế. Quy trình thanh, kiểm tra cần thực hiện bài bản, xem xét tăng lên 90 ngày thay vì 30 ngày như hiện nay.
Theo TS. Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế của KTNN, cần hình thành cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp Trung ương nhằm chỉ đạo thông suốt ở tầm quốc gia, trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế... Biện pháp, chế tài xử lý hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế cần phải cứng rắn hơn nữa.
Ông Hải dẫn chứng, Singapore quy định mức phạt chung cho các vi phạm về thuế từ khoảng 100 – 400% khoản thuế phải trả; Indonesia phạt từ 2 – 48%/tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá; Malaysia có mức phạt dao động từ 100 – 300%...