Dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Nhiều điểm chưa hợp lý

(BĐT) - Quy định mức vốn điều lệ tối thiểu, yêu cầu về trình độ học vấn với cấp quản lý, bắt buộc nhân viên đòi nợ phải mặc đồng phục là những điểm chưa hợp lý tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Giám đốc phải có bằng đại học, vốn tối thiểu 2 tỷ đồng

Theo Ban soạn thảo, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là hoạt động kinh doanh nhạy cảm về mặt xã hội, dễ xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự do hành vi đòi nợ bất hợp pháp, vì vậy cần quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một loại hình kinh doanh có điều kiện.

Do đó, Ban soạn thảo cho rằng, việc quy định điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh và người lao động của doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ là để bảo đảm các cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; có chuyên môn, nghiệp vụ đòi nợ theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện đòi nợ chủ yếu bằng kỹ năng đàm phán, thương thuyết; hiểu và luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tránh việc đòi nợ theo kiểu xã hội đen, làm mất an ninh, trật tự xã hội.

Tại Dự thảo, một trong những điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ được nêu rõ: “Có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh”.

Không đồng tình với quan điểm này của Ban soạn thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, quy định như vậy chính là đặt thêm những điều kiện không cần thiết cho hoạt động kinh doanh của DN. “Thực tế, kinh doanh đòi nợ là một dịch vụ không đòi hỏi phải có kiến thức học thuật. Mặt khác, với chất lượng bằng cấp hiện nay, việc “sắm” một bằng đại học chuyên ngành không phải là khó, mà năng lực thực chất lại không phản ánh qua bằng cấp. Cách quy định như vậy có thể dẫn đến tình trạng “thuê” bằng hoặc những tiêu cực khác khi đăng ký kinh doanh với hoạt động này”, ông Đức nói.

Dẫn ví dụ về quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ ở các nước khác, vị luật sư này cho biết, tại Australia, kinh doanh đòi nợ không đòi hỏi bằng cấp của người quản lý cấp cao mà chỉ nêu những yêu cầu chặt chẽ như: “Không được gọi điện đòi nợ trước 9 giờ sáng, không được gọi vào Chủ nhật, ngày lễ”. Trong khi đó, quy định về đòi nợ của Việt Nam lại thiếu những nội dung này.

Không chỉ đặt điều kiện về trình độ của cấp quản lý ở DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Dự thảo tiếp tục giữ quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng.

Theo Ban soạn thảo, đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, trong đó cần chú trọng điều kiện về tài chính thông qua chỉ tiêu về vốn tối thiểu.

Bình luận về nội dung này, Luật sư Đức nêu quan điểm: “Vốn điều lệ của DN chỉ mang tính hình thức. DN có vốn nhiều hay ít là việc của riêng họ, pháp luật không nên áp đặt. Do đó, việc đặt ra quy định này chính là gây khó cho DN. Một DN hoạt động chỉ cần có đầy đủ cơ sở vật chất và con người hợp pháp”. 

Phải mặc đồng phục khi đòi nợ

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO:

Để hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ lành mạnh và có tác động tích cực, trước hết cần tạo thị trường công bằng, cạnh tranh lành mạnh cho hoạt động này. Cần tăng cường chức năng giám sát, chú trọng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, tăng cường việc giải quyết đơn thư, tố cáo. Bên cạnh đó, quy định mức xử phạt với DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ nặng gấp nhiều lần mức xử phạt với DN khác với cùng vi phạm.

Bên cạnh hai nội dung chưa được đồng thuận như trên, Dự thảo còn bổ sung quy định về việc mặc đồng phục với người lao động của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Cụ thể, DN phải tự thiết kế trang phục, cấp trang phục cho người lao động, trên trang phục phải có tên doanh nghiệp và công khai mẫu trang phục tại trụ sở chính và các chi nhánh (nếu có).

Theo báo cáo của các địa phương (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An), thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục kiểu “xã hội đen, đầu gấu" để đi thu nợ, gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của cá nhân, tổ chức khách nợ..., gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của cá nhân, của tổ chức là khách nợ.

Bộ Tài chính cho rằng, việc quy định về trang phục cho người lao động trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ là rất cần thiết để tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ, qua đó hạn chế tình trạng tụ tập, gây rối như nêu trên; đồng thời giúp nâng cao nhận thức của xã hội về ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng là ngành nghề hợp pháp; tạo sự yên tâm cho tổ chức, cá nhân khách nợ khi tiếp xúc, làm việc với những nhân viên đòi nợ có mang trang phục. Việc quy định về trang phục còn tạo ra ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hạn chế các vi phạm khi thực hiện đòi nợ, thể hiện sự chuyên nghiệp của người lao động trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Khá bất ngờ với nội dung mới này, Luật sư Trương Thanh Đức phản biện: “Nhân viên đòi nợ cần những kỹ năng giao tiếp, thương lượng và tạo được thiện cảm với người bị đòi nợ. Do đó, khi các nhân viên này mặc đồng phục có thể khiến đối phương không thiện cảm và gây khó khăn cho công việc ngay từ cái nhìn đầu tiên”.

Chuyên đề