Cắt giảm thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng từ 2018: Thu ngân sách có bị tác động?

(BĐT) - 10 Nghị định (NĐ) ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, áp dụng đến năm 2022/2023. 
Hàng nghìn mặt hàng sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu về 0% trong năm 2018. Ảnh: Lê Tiên
Hàng nghìn mặt hàng sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu về 0% trong năm 2018. Ảnh: Lê Tiên

Theo đó, hàng loạt mặt hàng có thuế suất giảm sâu, thậm chí về 0%. Đợt cắt giảm mạnh thuế suất này có ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước?

Hàng nghìn mặt hàng có thuế suất giảm

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, việc ban hành các nghị định nêu trên nhằm thực hiện cam kết trong khung khổ 10 FTA mà Việt Nam tham gia. Các FTA bao gồm: ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia - New Zealand, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Chile, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu. Trên cơ sở đó, thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và thực hiện Luật Hải quan, đồng thời để tiếp tục thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong các FTA trong những năm tiếp theo.                  

Theo ông Phạm Tuấn Anh, có 4 điểm mới nổi bật tại các NĐ này. Thứ nhất là việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn 5 năm, từ năm 2018 đến năm 2022/2023 nhằm bảo đảm tính ổn định và dễ theo dõi cho DN. Thứ hai là bổ sung quy định về thuế suất nhập khẩu trong và ngoài hạn ngạch thuế quan. Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan thì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với số lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan được nêu chi tiết tại biểu thuế kèm theo các NĐ. Mức thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu. Số lượng nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương. Thứ ba là, quy định cụ thể về 4 điều kiện áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Thứ tư là bổ sung quy định về các chú giải và quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hóa thực hiện theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Biểu thuế ban hành kèm theo các NĐ cho thấy, hàng nghìn mặt hàng sẽ có thuế suất giảm mạnh trong giai đoạn này, nhất là năm 2018.  Đơn cử như theo NĐ ban hành biểu thuế Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, năm 2018 có 3.720 dòng thuế còn lại vẫn đang tiếp tục được cắt giảm dần về 0% gồm: sữa và sản phẩm từ sữa, ô tô và phụ tùng, linh kiện ô tô, sắt thép và sản phẩm sắt thép…

NĐ ban hành biểu thuế Việt Nam - Hàn Quốc, trong năm 2018 có 704 dòng thuế có thuế suất 0% tập trung ở các nhóm hàng như: thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, sơn, chế phẩm giặt tẩy… 

Thu ngân sách có bị ảnh hưởng?

Câu hỏi đặt ra là, hàng nghìn mặt hàng có thuế suất nhập khẩu cắt giảm sâu sẽ tác động thế nào đến thu ngân sách năm 2018 cũng như những năm tiếp theo?

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, việc ban hành 10 NĐ này chủ yếu xuất phát từ việc thay đổi danh mục, trong đó có khoảng 5% dòng thuế có sự thay đổi thuế suất, 5% điều chỉnh do ảnh hưởng chuyển đổi so với biểu thuế năm 2016. Do đó, thu ngân sách năm nay sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí là không ảnh hưởng khi 10 NĐ có hiệu lực.

“Khi tham gia các FTA chúng ta đã xác định chủ trương rất rõ là sẽ giảm nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đó, để bảo đảm thu ngân sách và cân đối ngân sách, ngành tài chính đã tính toán trong dự toán xuất nhập khẩu hàng năm”, ông Phạm Tuấn Anh thông tin.

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam càng hội nhập càng thua thiệt, Việt Nam càng nhập siêu và việc thuế suất nhập khẩu giảm mạnh lần này sẽ khiến DN Việt Nam thêm phần khó khăn, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Tài chính nhìn nhận, số lượng mặt hàng có thuế suất được cắt giảm trong năm 2018 cũng chỉ là số lượng nhỏ, hơn nữa cũng được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm sản xuất trong nước. Cá biệt ở một số mặt hàng chúng ta tạo lợi thế cạnh tranh.

Về một số đối tác FTA có sự thay đổi cán cân thương mại thì khó có thể đánh giá hết. Chẳng hạn như việc năm 2017 Việt Nam nhập siêu mạnh từ Hàn Quốc có lý do là nước này có dòng FDI chảy mạnh vào Việt Nam, theo đó họ tăng nhập khẩu từ chính quốc để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề này, tại Phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra cuối năm 2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh lưu ý, nhiều mặt hàng từ nước ngoài vào Việt Nam thuế suất sẽ về 0%, chủ yếu thuộc các lĩnh vực nhạy cảm, do đó mục tiêu năm 2018 tăng xuất khẩu đạt 8 - 10% so với năm 2017 và cố gắng duy trì mức nhập siêu dưới 3% so với kim ngạch xuất khẩu sẽ là thách thức rất lớn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư