Bancassurance - “gà đẻ trứng vàng” của ngân hàng

(BĐT) - Trong khi các sản phẩm truyền thống, mang lại phần lớn nguồn thu từ phí dịch vụ cho các ngân hàng như dịch vụ thanh toán - chuyển tiền, quản lý tài khoản hay phí tư vấn và bảo lãnh đang ngày càng có xu hướng giảm trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, thì bancassurance (banca + assurance = ngân hàng + bảo hiểm) đang được cho là “gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng.
Ngày càng có nhiều ngân hàng tăng nguồn thu bằng cách bắt tay với các công ty bảo hiểm. Ảnh: Việt Trần
Ngày càng có nhiều ngân hàng tăng nguồn thu bằng cách bắt tay với các công ty bảo hiểm. Ảnh: Việt Trần

Nguồn thu nghìn tỷ

Thông tin mới được Bloomberg tiết lộ, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank) đã chỉ định Credit Suisse, một trong những ngân hàng lớn trên thế giới, làm đơn vị tư vấn tìm kiếm đối tác phân phối bảo hiểm mới. Thỏa thuận lần này của Vietcombank có thể có giá trị lên tới 1 tỷ USD. Nếu được thực hiện, đây sẽ là một trong những thỏa thuận bancassurance lớn nhất được thực hiện tại thị trường Việt Nam.

Theo Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Vietcombank đã thừa nhận đang khẩn trương hoàn thiện các bước cuối cùng để tìm ra một đơn vị tư vấn độc lập cho việc nghiên cứu chiến lược bancassurance, với mục đích triển khai hợp đồng bancassurance độc quyền. Nếu tìm được đối tác bảo hiểm, Vietcombank có thể nhận được một khoản “phí gia nhập” tổng cộng 11.400 tỷ đồng, trong đó 18% sẽ nhận được trong năm 2019. Ngoài khoản phí trên, ngân hàng sẽ có thêm khoản thu nhập phí cạnh tranh từ dịch vụ bancassurance độc quyền.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ với tổng mức vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng, thông qua liên doanh MB Ageas Life (MBAL) với các đối tác là Tập đoàn Ageas và Muang Thai Life Assurance. "Cuộc hôn nhân", theo như cách mà chính người trong cuộc tự gọi về việc hợp tác này, đã giúp MBAL thu về thành quả vô cùng ấn tượng. Kết thúc năm 2017, MBAL đạt doanh thu hơn 300 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu khai thác mới kênh bancassurance theo tháng của MBAL đã bứt phá lên vị trí thứ 2 thị trường nhờ có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ MB. Ước tính đến cuối năm 2018, MBAL sẽ đạt hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu bảo hiểm. Với kết quả đó, MB có thể thu về hơn 600 tỷ đồng phí dịch vụ từ MBAL...

Với dư địa tăng trưởng thị trường lớn như vậy nên nhiều ngân hàng đã khai thác trên kênh bancassurance như Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life Việt Nam) và Bac A Bank; AIA Việt Nam và HSBC Việt Nam; AIA Việt Nam và DongA Bank...

Bên cạnh đó, hiện tại mới chỉ có 0,7% dân số Việt Nam sử dụng bảo hiểm nhân thọ. Hơn thế nữa, các hợp đồng bảo hiểm được khai thác qua bancassurance chỉ mới đạt 6% tổng doanh thu của ngành, trong khi trên thế giới tỷ lệ này là 70%. Chính điều đó đã biến bancassurance trở thành “gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng. 

Lợi anh, lợi ả

Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, việc bắt tay giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm đem lại lợi ích cho cả đôi bên. Theo đó, ngoài việc có ngay một khoản phí gia nhập không hề nhỏ mà công ty bảo hiểm trả cho thời gian đầu, ngân hàng cũng sẽ được hưởng phí và hoa hồng bảo hiểm trong những năm tiếp theo, trong khi không phải đầu tư nhiều về vốn hoặc quản trị rủi ro như những hoạt động kinh doanh khác.

Mặt khác, việc bán các sản phẩm bảo hiểm đồng thời với dịch vụ cho vay tín dụng còn giúp ngân hàng có khả năng thu hồi được các khoản nợ khi không may có rủi ro xảy đến với người vay tiền tại ngân hàng. Một lợi ích nữa là ngân hàng có thêm nguồn vốn huy động thông qua việc thu phí bảo hiểm từ khách hàng và thông qua thỏa thuận hợp tác trong đầu tư giữa ngân hàng và bảo hiểm.

Trong khi đó, với doanh nghiệp bảo hiểm, khi ký kết hợp tác với ngân hàng sẽ có cơ hội tiếp cận lượng khách hàng lớn của các ngân hàng để bán bảo hiểm mà không cần phải phát triển hệ thống chi nhánh và nhân viên bảo hiểm.

Về phía khách hàng, khi tham gia sản phẩm bảo hiểm trong mô hình bancassurance sẽ được hưởng lợi từ mức phí bảo hiểm thấp hơn (do doanh nghiệp bảo hiểm tiết kiệm được chi phí) và các dịch vụ tài chính trọn gói họ có thể không có được nếu ngân hàng và bảo hiểm hoạt động riêng rẽ.

Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi, liệu các thông tin của khách hàng có bị rò rỉ hoặc bị ngân hàng “bán đứng” khi càng ngày càng có nhiều phản ánh bị các nhân viên bảo hiểm gọi điện “khủng bố” bất chấp họ có nhu cầu hay không. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nên chăng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xác định việc rò rỉ thông tin cá nhân là từ đâu, xử phạt thế nào để khách hàng không còn gặp các cuộc điện thoại đầy “ngọt ngào và man trá” trên.

Chuyên đề