Đồng rupiah của Indonesia. (Nguồn: Reuters) |
WB cũng đưa ra một số chỉ số ước tính đối với Indonesia, bao gồm lạm phát ở mức 3,5%, thâm hụt ngân sách ở mức 2,1% GDP.
Theo phân tích của WB, tiêu dùng cá nhân ước sẽ tăng lên, trong khi hoạt động đầu tư cũng sẽ tiến triển tích cực. Trong quý đầu tiên của năm 2018, hai chỉ số này của Indonesia tăng lần lượt là 4,95% và 7,9%.
Giám đốc của WB tại Indonesia, Rodrigo A. Chaves cho biết số vốn đầu tư vào Indonesia vẫn tiếp tục cao và việc giá hàng hóa tăng sẽ là một yếu tố thuận. Tuy nhiên, đầu tư tăng sẽ làm tăng lượng nguyên liệu nhập khẩu. Điều này có thể sẽ tạo gánh nặng cho nền kinh tế Indonesia vì không thể mong đợi xuất khẩu tăng cao khi các nước khác theo đuổi chính sách bảo hộ.
Ông Chaves cũng nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm hơn do các chính sách thắt chặt tiền tệ và sự xuất hiện của những biến động tài chính, tập trung ở một số nước đang phát triển như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo WB, thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia sẽ mở rộng do nhu cầu cao ở thị trường trong nước, điều kiện thương mại yếu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp.
Trước đó ngày 5/6, trong cuộc thảo luận xây dựng dự thảo ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ Indonesia và Hạ viện đã nhất trí với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 5,2-5,6% trong năm nay./.