Bitcoin vẫn còn quá “bất ổn” để trở thành tiền tệ chính thống

(BĐT) - Đó là nhận định của ngân hàng đầu tư toàn cầu UBS, cho thấy khả năng để trở thành một loại tiền tệ chính thống của đồng tiền số lớn nhất thế giới hiện nay là khá “xa vời”.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

“Bitcoin vẫn còn quá không ổn định và bị giới hạn để trở thành một phương thức thanh toán hay một loại tài sản chủ đạo”, chiến lược gia Joni Teves tại ngân hàng UBS nhận xét. Theo bà Teves, “sự thiếu ổn định về giá đã khiến Bitcoin không đáp ứng được tiêu chí để được coi là tiền tệ chính thống”.

Theo UBS, sự biến động lớn về giá trong thời gian gần đây và một số giới hạn về ứng dụng công nghệ là những rào cản lớn nhất đối với Bitcoin. Giá của đồng tiền số này thường thay đổi hàng trăm USD mỗi ngày và đã giảm hơn 60% kể từ mức đỉnh gần 20.000 USD đạt được vào tháng 12 năm ngoái. Theo CoinDesk, Bitcoin được giao dịch quanh mốc 7.500 USD vào hôm thứ Năm (2/8), giảm 50% kể từ mức cao nhất trong năm 2018.

Trong khi đó, theo bà Teves, những thay đổi của các nhà phát triển để giải quyết các vấn đề về khả năng mở rộng hệ thống, kích thước hay tốc độ xử lý là “chưa đủ”. “Bitcoin không thể xử lý khối lượng giao dịch lớn như ở thế giới thực”, bà Teves cho biết.

Hiện tại, mạng lưới Bitcoin chỉ có thể xử lý một phần nhỏ khối lượng giao dịch thanh toán mà các doanh nghiệp như Visa Inc. đang xử lý. Theo UBS, đây là hạn chế vốn có trong thiết kế mạng lưới Bitcoin, và điều này có thể tiếp tục hạn chế tính hữu ích của đồng tiền số này.

Việc sử dụng Bitcoin trong thương mại đã giảm từ mức đỉnh hồi tháng 9/2017, theo nghiên cứu của hãng Chainalysis. Nhu cầu đầu cơ giải thích hơn 70% biến động giá cả Bitcoin, UBS nhận định. Ngân hàng này cho rằng dù tiền số có khả năng trở thành một loại tài sản thay thế, song giá cả của chúng có thể vẫn dễ biến động, do đó hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu cơ. 

Chuyên đề