UBTVQH xem xét Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

(BĐT) - Sáng 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa ra xem xét, thảo luận tại Phiên họp thứ 20 những vấn đề còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHC-KTĐB).
Để thu hút đầu tư, chính sách đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần có sự hấp dẫn, vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành. Ảnh: Nhã Chi
Để thu hút đầu tư, chính sách đất đai tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cần có sự hấp dẫn, vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành. Ảnh: Nhã Chi

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật ĐVHC-KTĐB. Ngay sau Kỳ họp, dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã phối hợp với cơ quan soạn thảo khẩn trương tiến hành các công việc để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật, tổ chức tọa đàm nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về một số nội dung lớn của Dự án Luật, đồng thời, tích cực nghiên cứu hoàn thiện Dự thảo Luật.

Qua tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy vấn đề xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương và việc thiết kế các chính sách liên quan tới đất đai tại ĐVHC-KTĐB là hai vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên UBTVQH tiếp tục phân tích, đánh giá tính ưu, khuyết điểm đối với 2 phương án do Chính phủ trình về tổ chức chính quyền địa phương ở ĐVHC-KTĐB. Một số ý kiến bày tỏ đồng tình với đề nghị theo Báo cáo của Ủy ban Pháp luật là xây dựng phương án mới theo hướng kết hợp các ưu điểm của hai phương án do Chính phủ trình.

Về các chính sách liên quan tới đất đai tại ĐVHC-KTĐB, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo cơ chế thu hút đầu tư, các chính sách đất đai tại ĐVHC-KTĐB cần có sự hấp dẫn, vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm cạnh tranh quốc tế; tuy nhiên, cũng cần bảo đảm thận trọng, với mức độ ưu đãi hợp lý để tránh tình trạng lạm dụng, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước.

Chuyên đề