Rối bời thực thi pháp luật về hợp đồng

(BĐT) - Từ sự chồng chéo quy định pháp luật về hợp đồng cho đến việc thiếu tôn trọng cam kết hợp đồng trong thực thi đã làm suy giảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước về hệ thống tư pháp của Việt Nam. Điều này gây nhiều bất lợi khi Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng với những cam kết khắt khe.
Tình trạng vi phạm hợp đồng diễn ra khá phổ biến trong lĩnh vực đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng vi phạm hợp đồng diễn ra khá phổ biến trong lĩnh vực đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế. Ảnh: Lê Tiên

Vướng mắc từ quy định pháp luật về hợp đồng

Liên quan đến pháp luật về hợp đồng, hiện có nhiều văn bản quy định điều chỉnh, từ quy định chung cho đến quy định chuyên ngành như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Xây dựng... Theo đánh giá của không ít luật sư và DN, việc thay đổi pháp luật quá nhiều, cộng với những xung đột, mâu thuẫn chồng chéo, phức tạp đã gây ra không ít bất cập, khó khăn, vướng mắc cho DN trong việc thi hành quy định pháp luật về hợp đồng.

Bà Nguyễn Thị Nhiên - chuyên viên pháp chế của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex cho biết, một số quy định hiện chưa có hướng dẫn cụ thể và thống nhất của các cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau như: quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai; quy định về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự... Trong nhiều trường hợp, điều này đã gây ra không ít bất lợi cho ngân hàng, thậm chí phải ngậm ngùi chịu sự phán quyết của tòa án, dù không phục nhưng không biết kêu ai.

Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) chia sẻ về những điểm khập khiễng giữa các văn bản quy phạm pháp luật, chẳng hạn như việc thỏa thuận chế tài xử lý vi phạm hợp đồng, Điều 292 của Luật Thương mại năm 2005 quy định: tạm ngừng thực hiện hợp đồng; đình chỉ thực hiện hợp đồng; hủy bỏ hợp đồng; các biện pháp khác. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự lại chỉ quy định về chấm dứt hợp đồng (Điều 422) và hủy bỏ hợp đồng (Điều 423), mà không đề cập đến việc tạm ngưng và đình chỉ thực hiện hợp đồng...

“Nhiều khi không biết phải thực hiện theo quy định nào, thỏa thuận sao cho đúng luật. Nhiều quy định cứ như bẫy DN. DN cứ phải đoán mò và buộc phải làm mỗi lúc một kiểu”, vị luật sư này than thở. 

Suy giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp

Nhiều kết quả khảo sát trên diện rộng thời gian qua cho thấy, DN sụt giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp. Theo điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nếu như năm 2013 có đến 60% DN được hỏi cho biết họ sẵn sàng khởi kiện ra tòa nếu có tranh chấp với đối tác, thì đến năm 2017, con số này chỉ còn 36%. Các DN chưa bao giờ tiếp xúc với tòa án có niềm tin vào hệ thống tư pháp cao hơn so với những DN đã từng tiếp xúc. Lý do lớn nhất để các DN không lựa chọn biện pháp tư pháp là thời gian quá dài (46 - 60%), tiếp theo đó là tình trạng chạy án diễn ra rất phổ biến (36 - 42%). Các DN đã từng khởi kiện thường chuyển sang sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế như trọng tài thương mại, nhờ cán bộ nhà nước tác động, đưa ra báo chí, sử dụng các biện pháp khác... nhiều hơn là các DN chưa từng khởi kiện.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm niềm tin vào hệ thống tư pháp, Luật sư Phạm Liêm Chính cho rằng, đó là thiếu tính thượng tôn pháp luật. Trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa DN Việt Nam và đối tác nước ngoài, tôn trọng cam kết hợp đồng là vấn đề cơ bản, chỉ cần một trong hai bên không tôn trọng cam kết hợp đồng có thể làm phát sinh bất đồng, tranh chấp.

Tình trạng này không mấy xa lạ trong lĩnh vực đấu thầu cung cấp thuốc trong các cơ sở y tế khi nhà thầu không thực hiện đúng tiến độ cung ứng thuốc theo hợp đồng đã ký kết. Trong khi không ít các cơ sở y tế kêu ca rằng sự chậm trễ này sẽ làm ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh, thì một số nhà thầu khi trả lời Báo Đấu thầu lại thản nhiên cho rằng, đây là điều khá bình thường, diễn ra khá phổ biến.

Theo Luật sư Phạm Liêm Chính, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do với những cam kết chặt chẽ như CPTPP, thì việc không tôn trọng cam kết hợp đồng sẽ gây nhiều bất lợi cho các DN Việt Nam khi bị khởi kiện. Thực tế, khi giải quyết các vụ tranh chấp giữa DN Việt Nam và đối tác nước ngoài, các bên thường lựa chọn pháp luật của nước ngoài như Singapore, Canada... để áp dụng, thay vì quy định pháp luật của Việt Nam, vì họ cho rằng quá rối và phức tạp.

Việt Nam đã tham gia Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Do vậy, theo Luật sư Phạm Liêm Chính, pháp luật trong nước nên chỉnh sửa sao cho phù hợp với pháp luật quốc tế, nhất là về vấn đề bồi thường thiệt hại. Công ước Viên chỉ quy định về đền bù thiệt hại trong khi Việt Nam vẫn giữ quy định duy trì đồng thời cả đền bù thiệt hại và phạt hợp đồng.

Chuyên đề