Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ

(BĐT) - Bộ Công an đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Công an cho biết, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Đây là đạo luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, để triển khai thi hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ thì việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cần thiết.

Dự thảo Nghị định này quy định về quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí; huấn luyện và cấp giấy chứng nhận sử dụng, chứng chỉ quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục làm mất tính năng, tác dụng và xác nhận tình trạng vũ khí, công cụ hỗ trợ được sử dụng để triển lãm, trưng bày hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Theo dự thảo, việc quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định sau đây: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sau khi được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải bảo quản tại kho, nơi cất giữ và làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng, giấy xác nhận đăng ký theo quy định; không được sử dụng khi chưa có giấy phép, giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ phải lập hồ sơ, sổ sách theo dõi; khi mang ra sử dụng phải được Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cho phép và ghi vào hồ sơ, sổ sách theo dõi; sau khi sử dụng phải bàn giao cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ để bảo dưỡng, bảo quản...

Điều kiện sản xuất, kinh doanh vũ khí

Dự thảo nêu rõ điều kiện nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là: Tổ chức, doanh nghiệp được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí; có đủ phương tiện, thiết bị đo lường phù hợp để kiểm tra, giám sát các thông số kỹ thuật và phục vụ công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất vũ khí; có nơi thử nghiệm riêng biệt, an toàn theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Điều kiện kinh doanh vũ khí đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được quy định như sau: Tổ chức, doanh nghiệp được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an giao nhiệm vụ kinh doanh vũ khí; kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh vũ khí phải phù hợp, bảo đảm điều kiện về bảo quản, vận chuyển vũ khí, phòng cháy và chữa cháy; chỉ được kinh doanh vũ khí bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Điều kiện của tổ chức, doanh nghiệp khác được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí: Là tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam thành lập theo quy định của pháp luật được Thủ tướng Chính phủ cho phép theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an; đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

Chuyên đề