Việc chưa có hồ sơ kỹ thuật và pháp lý về đất đai đã tạo kẽ hở cho nhiều vi phạm về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Ảnh: Lê Tiên |
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, tỉnh Hà Giang còn bộc lộ nhiều thiếu sót, hạn chế.
Giao đất trên… giấy
Trong một thời gian dài, đất đai do các nông, lâm trường quốc doanh quản lý, sử dụng tại tỉnh Hà Giang chủ yếu được giao trên bản đồ, không thực hiện đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới cụ thể trên thực địa, cho nên việc giao, quản lý và sử dụng đất cũng không cụ thể. Căn cứ để quản lý, giao đất là các bản đồ có độ chính xác thấp, hồ sơ giấy tờ cũ, không được hiệu chỉnh.
Hồ sơ giao đất, cho thuê đất chủ yếu được lập và ban hành kèm theo các quyết định thành lập nông, lâm trường, do các nông, lâm trường tự quản lý, ít được giao nộp cho các cơ quan quản lý đất đai theo quy định. Phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính, diện tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chủ yếu là đất phi nông nghiệp, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản trong quản lý, sử dụng đất.
Diện tích đất quản lý, sử dụng giữa thực tế và hồ sơ sổ sách còn có nhiều khác biệt lớn, nhiều diện tích chưa quản lý được. Phần diện tích mà các công ty bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý để giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng chủ yếu chỉ được thực hiện trên sổ sách, chưa được đo đạc, xác định mốc giới và bàn giao trên thực địa, chưa có hồ sơ địa chính làm cơ sở pháp lý cho việc giao quản lý, sử dụng.
Sử dụng nguồn đất nông, lâm trường có nhiều sai phạm
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai (lấn chiếm, cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái phép, giao khoán không đúng đối tượng, để hoang hóa) còn phức tạp; việc sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả, bị bỏ hoang chưa được xử lý dứt điểm.
Đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường nay giao cho các ban quản lý rừng thuộc các huyện quản lý cũng chưa có hồ sơ kỹ thuật và pháp lý về đất đai, ranh giới giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ còn chưa rõ ràng. Do không xác định được rõ diện tích, không rõ loại đất để làm cơ sở cho việc tính toán khoản thu nên đã làm thất thoát các khoản thu trong việc sử dụng đất được giao.
Cũng theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, năm 1993, UBND huyện Bắc Quang cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái thẩm quyền với tổng diện tích 17,42 ha (Công ty Lâm nghiệp Vĩnh Hảo 7,71 ha, Công ty CP Chè Hùng An 9,71 ha), vi phạm Luật Đất đai năm 1993, nhưng cho đến nay chưa được UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo việc thu hồi theo quy định. Cùng với đó, đối với 4.732,51 ha đất UBND tỉnh này đã thu hồi của 3 công ty lâm nghiệp giao cho UBND huyện Bắc Quang và UBND huyện Quang Bình quản lý, đến nay vẫn chưa tiến hành giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng…
Ngoài ra, việc UBND huyện Yên Minh sử dụng 0,998 ha đất vườn ươm đã giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Minh quản lý để giao lại cho Trung tâm Dạy nghề xây dựng của huyện Yên Minh nhưng không có quyết định thu hồi đất, giao đất của cấp có thẩm quyền là trái với Luật Đất đai năm 2003.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Hà Giang về quản lý, kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ để khảo sát, đo đạc, xác định bản đồ chính xác về diện tích, vị trí, phân loại chính xác về đất do các ban quản lý rừng và các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng. Nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm của tập thể, cá nhân về những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và sử dụng đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn.