Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, Luật quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007 và được sửa đổi, bổ sung ba lần tại: Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 và Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 (gọi chung là Luật quản lý thuế).
Sau gần 10 năm thực hiện, Luật quản lý thuế đã đạt được kết quả quan trọng: Luật quản lý thuế đã tạo khung pháp lý cơ bản, thống nhất chính sách quản lý thu thuế, đồng bộ với các luật thuế và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho công tác quản lý thuế thay đổi phương thức quản lý theo cơ chế người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế theo pháp luật thuế; cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế chủ yếu theo chức năng kết hợp một phần với quản lý theo đối tượng (tuyên truyền hỗ trợ, đăng ký, kê khai, kiểm tra, thanh tra, quản lý nợ thuế...) và hướng tới quản lý rủi ro dựa trên cơ sở thông tin về người nộp thuế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật quản lý thuế cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đáng chú ý trong số đó là: Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải tiếp tục bổ sung cơ sở pháp lý, phải tăng cường hợp tác, quản lý thuế quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều điều ước quốc tế, hiệp định đa phương, song phương, trong lĩnh vực thuế đến nay, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 76 nước và vùng lãnh thổ. Theo đó, Luật quản lý thuế đã có những điểm chưa được quy định hoặc quy định không còn phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quản lý thuế để tham gia, ký kết Hiệp định thuế đa phương...
Luật chưa tạo điều kiện pháp lý đầy đủ cho việc hiện đại hoá quản lý thuế mà trước hết là triển khai rộng rãi, phổ biến thủ tục quản lý thuế điện tử trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế đã có sự chuyển biến rõ rệt so với các năm trước.
Bộ Tài chính cũng cho biết, quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật quản lý thuế (sửa đổi) là đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế nhằm xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, công tác quản lý thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện dựa trên ba nền tảng cơ bản: Thể chế chính sách thuế minh bạch, quy trình thủ tục hành chính thuế đơn giản, khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế; nguồn nhân lực có chất lượng, liêm chính; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, có tính liên kết, tích hợp, tự động hóa cao.
Bên cạnh đó, đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thực hiện quản lý thuế điện tử, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào Ngân sách Nhà nước.
Đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan với cơ quan thuế trong việc thực hiện pháp luật về thuế và quản lý thuế.