Triển khai xử lý tồn tại một số dự án, doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương

Kế hoạch hành động thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kếm của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương vừa được ban hành.
Đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
Đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm bảo đảm triển khai thực hiện phương án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của Ngành Công Thương theo đúng nội dung "Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017.

Đồng thời, khẩn trương đưa vào hoạt động các dự án, doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh để khai thác có hiệu quả ở mức cao nhất; xử lý trong thời gian sớm nhất các dự án, doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh để thu hồi tối đa tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực đối với ngân sách Nhà nước và với nên kinh tế nói chung.

Theo lộ trình, đến hết năm 2018, phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp; đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.

Tiếp tục thanh tra các dự án, doanh nghiệp

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kếm của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các tập đoàn, tổng công ty và các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Cụ thể, các tập đoàn, tổng công ty (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam) tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo của Tập đoàn/Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc để xử lý các dự án, doanh nghiệp; phân công nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị có liên quan để bảo đảm triển khai có hiệu quả các biện pháp xử lý từng dự án, doanh nghiệp; xây dựng hoặc rà soát hoàn thiện phương án đổi mới quản trị, tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất kinh doanh đối với các dự án/doanh nghiệp có khả năng hoạt động sản xuất kinh doanh để giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện...

Các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước có liên tập trung xử lý các vấn đề cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi về thị trường, thúc đẩy sản xuất cho các dự án, doanh nghiệp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, phù hợp với các qui định của quốc tế, vì lợi ích chung của đất nước; thực hiện các giải pháp về tài chính, tín dụng theo nguyên tắc thị trường, cùng chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nghiệp trên cơ sở qui định của pháp luật và bảo đảm công khai, minh bạch; hỗ trợ pháp lý cho các tập đoàn, tổng công ty để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc với các nhà thầu tại các hợp đồng EPC và vướng mắc trong hợp đồng liên doanh với các đối tác; tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra để phát hiện các vi phạm, sai phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp...

Chuyên đề