Nhà đầu nước ngoài “bất an” với thay đổi chính sách thường xuyên

(BĐT) - “Những thay đổi gần đây trong chính sách của Việt Nam đang gây nên lo ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.  Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội nhấn mạnh phát biểu này khi mở đầu Hội thảo Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam diễn ra ngày 7/12, tại Hà Nội.
Hội thảo Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: Việt Anh
Hội thảo Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: Việt Anh

Theo ông Adam Sitkoff, hiện có nhiều DN Hoa Kỳ đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế Việt Nam. Họ đều nỗ lực góp phần vào việc đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn và minh bạch hơn. Tuy nhiên, các thành viên của Amcham đang gặp phải khó khăn từ việc thực thi chính sách thiếu đồng nhất, không hiệu quả và đối xử không công bằng giữa các khu vực.

“Trong một số trường hợp, hiện tượng này còn nảy sinh những hình thức mới. Thực tế này  gây khó khăn lớn cho hoạt động của DN”, ông Adam Sitkoff  nhấn mạnh. Minh chứng cho phản ánh này, đại diện AmCham dẫn chứng, Dự thảo Luật An ninh mạng thực sự rất đặc biệt, bởi vì ngoài các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, Luật cũng bao gồm việc kiểm soát thông tin trên Internet dù điều này đã được quy định trong các luật khác. Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng quy định việc nhà cung cấp nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam, quy định này không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt cũng là thực tế không thông dụng và không được khuyến khích. Hầu hêt các quốc gia không đánh thuế đối với mặt hàng này, bởi nó tác động xấu đến nền kinh tế và chưa được minh chứng là đánh thuế để bảo vệ sức khỏe… Từ thực tế đó,  ông Adam Sitkoff  kiến nghị, các chính sách của Việt Nam phải được thiết kế thống nhất và đảm bảo thực thi công bằng. Điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam cải thiện niềm tin của người tiêu dùng trên thị trường. Đây cũng là một vấn đề quan trọng để Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tư nhân.

Bổ sung cho vấn đề này, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói thêm, theo các cuộc điều tra của các tổ chức khác nhau thì vẫn còn nhiều vấn đề đang được doanh nghiệp FDI quan tâm như tính ổn định của pháp luật. Điển hình là luật thuế thay đổi liên tục và quá nhanh, thông tư của Bộ Tài chính ban hành rồi sửa đổi làm cho DN trở thay không kịp, thủ tục hải quan tuy đã cải tiến nhưng vẫn còn mất khá nhiều thời gian so với các nước ASEAN 4…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, thời gian qua, Việt Nam có những thay đổi chính sách rất tích cực, hoạt động tham vấn lấy ý kiến DN với chính sách cũng tốt hơn so với cách đây 10 năm. Dù vậy, thực tế vẫn còn một vài chỗ, vài nơi chưa thực hiện tốt đã gây khó khăn cho DN, nhà đầu tư.

Chuyên đề