Lo xăng Nghi Sơn ế ẩm, Thanh Hoá đề xuất hạn chế nhập xăng dầu

Chưa vận hành thương mại nhưng sản phẩm của nhà máy lọc dầu 9 tỷ USD ở Thanh Hóa đã phải "đi gửi" tại một số kho miền Trung.
Dự kiến Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ tháng 8 hoặc 9 năm nay. Ảnh: L.H
Dự kiến Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vận hành thương mại từ tháng 8 hoặc 9 năm nay. Ảnh: L.H

Hiện tượng này được ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá nêu tại hội nghị Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương ngày 2/7.

Theo Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dù chưa vận hành thương mại chính thức, thời gian qua sản phẩm nhà máy này đã phải đem gửi tại một số kho miền Trung. Nếu hiện tượng này tiếp tục xảy ra sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng thu ngân sách của tỉnh.

Để tạo điều kiện cho nhà máy, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương xây dựng cơ chế để tiêu thụ hết sản phẩm sản xuất ra, trong đó nghiên cứu hạn chế nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài để nhà máy sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.

"Chúng tôi đề xuất các bộ, ngành cần có chính sách hạn chế nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên sử dụng xăng dầu của nhà máy Nghi Sơn sắp vận hành", ông Xứng nói.

Theo tính toán của lãnh đạo Thanh Hoá, Lọc dầu Nghi Sơn dù chưa vận hành thương mại nhưng giá trị sản xuất công nghiệp nhà máy thời gian chạy thử vừa qua đã góp 14% vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Với kế hoạch sản xuất 4-4,3 triệu tấn xăng dầu sau khi đi vào vận hành thương mại tháng 8 hoặc 9/2018, nhà máy này sẽ góp tăng trưởng của tỉnh hơn 15%.

Cách đây một tháng, nhà máy lọc dầu 9 tỷ USD đã cho ra đời dòng xăng dầu thương mại đầu tiên, xuất xưởng hơn 5.000 m3 xăng RON92.

Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).

Dự án này do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).

Tổng vốn đầu tư của dự án là 9 tỷ USD, vốn điều lệ của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn là 2,44 tỷ USD. Phần lớn vốn giải ngân cho dự án này là vay ngân hàng, còn lại do các bên góp vốn.

Dự án này được hưởng hàng loạt ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm và nhiều ưu đãi khác; được cấp bù (từ tiền của PVN) trong giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong vòng 70 năm sau đó).

PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong vòng 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7%...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư