Chính sách thay đổi không thể chỉ trên mặt giấy mà phải thay đổi trên hành động, nghĩa là phải đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Lê Tiên |
Bối cảnh này buộc DN Việt phải có sự thích ứng để tồn tại. Báo Đấu thầu trân trọng gửi tới bạn đọc những góc nhìn đa chiều của các chuyên gia kinh tế và DN đối với chủ đề “thay đổi và sự thích ứng của DN”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Liêm chính là trái tim của kinh doanh, đổi mới - sáng tạo là bộ não của kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, DN Việt Nam cần xây dựng và phát triển các giá trị cốt lõi của mình trên nền tảng của liêm chính và đổi mới sáng tạo. DN cần phải ý thức được rằng, tham nhũng, hối lộ không chỉ gây tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững của DN mình, làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh, mà khi hợp tác với các công ty, DN quốc tế, nếu chúng ta không tuân thủ các nguyên tắc liêm chính trong kinh doanh thì sẽ làm nản lòng, ý chí, thiện chí hợp tác kinh doanh của DN nước bạn, chúng ta sẽ mất đi cơ hội kinh doanh.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN vẫn đánh giá rằng thực hiện nguyên tắc “liêm chính” trong kinh doanh là khó nhất và nhiều DN sẽ không tin việc chống tham nhũng sẽ tốt hơn cho công việc kinh doanh. Tuy nhiên, trong nỗ lực của Chính phủ và Nhà nước đang quyết tâm lấy lại niềm tin cho DN, tiếp tục thực hiện cải cách theo hướng tăng cường đổi mới, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thuận tiện và hiệu quả thì việc thực thi các nguyên tắc về liêm chính của DN sẽ có cơ sở đạt được nhiều lợi ích trong dài hạn, cải thiện văn hóa kinh doanh theo hướng minh bạch hơn.
Và khi thực thi được các nguyên tắc đạo đức liêm chính trong kinh doanh, DN sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác với các DN khác dựa vào giá trị cốt lõi lấy liêm chính là nền tảng phát triển trong dài hạn. Từ nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, DN sẽ hiện thực hóa được các cơ hội kinh doanh mới dựa trên những giá trị cốt lõi, nền tảng về đạo đức kinh doanh và đổi mới sáng tạo, vì sự phát triển bền vững và lâu dài của mình.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam
Việt Nam có lực lượng lao động hiệu quả, dồi dào và mức tiền lương tương đối thấp. Đây là yếu tố giúp thu hút nguồn vốn FDI lớn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu cần nhiều lao động. Kể từ năm 2012, sản xuất công nghiệp đã hấp thụ trung bình 400.000 lao động mỗi năm. Tuy nhiên, sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như một rào cản đối với việc thu hút FDI, và đối với hoạt động kinh doanh nói chung. Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới nêu rõ: “Lực lượng lao động chưa được đào tạo đầy đủ” là hạn chế lớn thứ hai trong môi trường kinh doanh của Việt Nam. Khảo sát lao động của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tìm được ứng cử viên cho các vị trí việc làm đòi hỏi tay nghề cao hơn là một thách thức lớn cho hầu hết các DN, khoảng 70% - 80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.
Để thu hẹp sự thiếu hụt kỹ năng lao động này, Việt Nam cần ưu tiên cho ba nhóm sáng kiến nhằm tăng cường hiệu quả các trường đại học và hệ thống trường dạy nghề trong việc mở rộng tiếp cận, cải thiện chất lượng và tinh giản quản trị.
Những thay đổi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có thể phải mất một thế hệ mới đạt được kết quả, do vậy, Việt Nam cần phải bắt tay vào công tác hiện đại hoá trường đại học và đào tạo nghề từ bây giờ. Việc thay đổi này để đảm bảo rằng vấn đề lao động thiếu hụt tay nghề sẽ không trở thành nút thắt cản trở tương lai phát triển của đất nước.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO TNI (Trung Nguyên International) Corporation
Nâng cao năng suất lao động, đổi mới sáng tạo trong DN là điều then chốt mà Trung Nguyên thực hiện liên tục suốt hơn 20 năm qua. Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, Trung Nguyên càng phải nỗ lực nhiều để nâng tầm nhìn và sức sáng tạo đưa DN phát triển nhanh và mạnh trên thị trường thế giới.
Tại Trung Nguyên, chúng tôi phát triển hệ thống quản trị của mình theo IOP/BRC để đáp ứng được yêu cầu về quản lý chất lượng của các nước nhập khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tất cả hợp đồng đều cố gắng đưa vào ứng dụng công nghệ mới giúp việc phát triển và chế biến cà phê tốt hơn, nhanh hơn để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Xuất khẩu cà phê nguyên liệu Việt Nam đứng thứ hai thế giới. Về lâu dài, tôi cho rằng, ngành cà phê Việt Nam có thể là ngành nông nghiệp chủ lực giúp người nông dân có được đời sống tốt hơn. Nếu chúng ta tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, lựa chọn phương thức để hàng hóa có giá trị cao hơn thì khâu chế biến, đóng gói cũng như phát triển thương hiệu… cần phải được quan tâm đầu tư để nâng tầm giá trị.
Đặc biệt trong điều kiện hiện nay, tăng trưởng kinh tế đất nước đang tiếp tục có những điểm sáng. Năm 2017 tăng trưởng kinh tế là 6,81%, riêng quý I/2018 là 7,38%. Đà tăng trưởng này là điều kiện rất tốt cho các DN cà phê có đà phát triển. Hơn nữa, nội ngành cà phê Việt Nam cũng đang có những bước phát triển khá tốt, không chỉ trong nước mà nhiều thị trường quốc tế biết và đón nhận cà phê Việt Nam. Đây là những cơ hội để ngành cà phê Việt Nam tiếp tục vươn lên.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, Trung Nguyên sẽ tiếp tục giải pháp duy trì vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam, đồng thời nỗ lực phát triển hệ thống quán cà phê trên khắp thế giới.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Mặc dù doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Việt Nam sinh sau đẻ muộn, thế nhưng, hiện nay khối DN này ngày càng có những bước phát triển mạnh mẽ hơn. Kết quả này đạt được là nhờ cơ quan quản lý nhà nước đã có những thay đổi, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của phát triển kinh tế. Hơn nữa, khối kinh tế tư nhân trong 30 năm qua đã xuất hiện những yếu tố mới, nhiều DNTN mới đã lớn hẳn lên. Trên thị trường, người tiêu dùng tin dùng những sản phẩm của khu vực kinh tế tư nhân với những thương hiệu như: Vinamilk, Vingroup…, thậm chí, các dịch vụ rất mới của khối DN này được người tiêu dùng chấp nhận. So sánh như vậy để thấy rằng, rất nhiều năm qua, chúng ta không thấy một DN nhà nước nào được xếp thứ hạng này thứ hạng kia trên thế giới. Song ngược lại, không ít DNTN mới xuất hiện như một hiện tượng mới đã có sức cạnh tranh cao, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.
Mặc dù vậy, chúng ta phải nhìn nhận DNTN trong nước vẫn còn gặp không ít khó khăn. So với DN FDI, DNTN cũng ít được ưu đãi hơn. Ngoài ra, về mặt tiếp cận nguồn lực, DNTN vẫn gặp khó khăn về tiếp cận đất đai, tín dụng… Vì vậy, không có lý gì chính sách không thay đổi để phục vụ tốt hơn sự phát triển của kinh tế tư nhân. Điều quan trọng hơn cả, chính sách thay đổi không thể là trên mặt giấy mà phải thay đổi trên hành động, nghĩa là phải đồng hành cùng DN, cùng họ giải quyết từng vấn đề thúc đẩy DN phát triển. Cách làm sẽ tốt hơn, hiệu lực hơn và nhanh hơn, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 hiện nay là nhanh, mạnh, linh hoạt giải quyết từng vụ việc, chứ không phải một chính sách 10 - 15 năm không thay đổi.
Ông Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV
Nhằm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của Việt Nam thực sự hiệu quả, chúng ta cần xác định điểm nghẽn chính của DNNVV hiện nay là vấn đề gì. Phải chăng là tín dụng, thông tin hay họ cần hỗ trợ khâu năng lực điều hành, chính sách thuế hoặc các chính sách có liên quan đến đổi mới sáng tạo…?
Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước có một cuộc hội thảo bàn về sự phát triển của DNNVV, trong đó có đề cập đến chỉ số niềm tin của các tổ chức tín dụng đối với các DNNVV hiện nay rất thấp. Như vậy, thời gian tới, khối DNNVV cần phải thay đổi để thích ứng và phát triển, nhất là các DN khởi nghiệp.
Từ khía cạnh này, tôi cho rằng có một số việc DNNVV nên làm để thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình. Đầu tiên là phải cố gắng minh bạch thông tin hơn nữa, bởi đây là một vấn đề rất quan trọng để bên cung cấp tín dụng quyết định có cung cấp dịch vụ, tài chính tín dụng cho DN hay không.
Tiếp theo là phải cố gắng quản trị bài bản và minh bạch hơn. Nhiều đối tác nước ngoài chia sẻ rằng, DN Việt Nam nói chung và khối DNNVV nói riêng ở khâu quản trị điều hành còn thiếu chuyên nghiệp.
Thêm vào đó, DNNVV cần cố gắng quản lý chiến lược và quản lý tài chính tốt hơn. Qua đó, mới có được những dự án có hiệu quả, và có thể đề xuất với các cơ quan, ngân hàng liên quan cho vay hoặc cấp nguồn vốn hỗ trợ.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn CIENCO4
Thời gian qua, với việc đưa vào nhiều công trình, dự án giao thông lớn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, tên tuổi và thương hiệu của CIENCO4 đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao, là DN hàng đầu về đầu tư xây lắp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Điều này cho thấy, chiến lược đầu tư con người, đổi mới về thiết bị, tích cực áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại vào thi công đã tạo nên một sức mạnh thương hiệu và sự phát triển của CIENCO4.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cũng đầy tính cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc trụ vững và phát triển bền vững không phải là điều dễ dàng. Để có thể thích ứng được với thời cuộc, CIENCO4 đã tiến hành đổi mới toàn diện công tác quản trị, điều hành, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động của DN cổ phần; xây dựng, bổ sung, sửa đổi hệ thống quy chế quản lý phù hợp, có hiệu quả với mô hình tổ chức, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Về công nghệ thi công, CIENCO4 luôn mạnh dạn đầu tư, áp dụng nhiều công nghệ thi công mới, hiện đại như công nghệ thi công xây dựng cầu dây văng, công nghệ đúc hẫng với khẩu độ lớn 150m, công nghệ chế tạo và lao lắp dầm SuperT, công nghệ thi công hầm, công nghệ thi công hầm qua núi bằng phương pháp khoan nổ vi sai…
Bên cạnh đó, để mở rộng hợp tác phát triển, CIENCO4 cũng đã ký kết một số thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài và gửi kỹ sư, công nhân kỹ thuật có trình độ cao sang nước bạn để tiếp tục đào tạo nâng cao, cũng như trao đổi kinh nghiệm về quản lý, điều hành, về kỹ thuật công nghệ để thực hiện mục tiêu phát triển lâu dài của Tập đoàn.
Ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam
Tôi cho rằng, mấu chốt trong quản lý, điều hành DN thời kỳ hội nhập hiện nay là vấn đề quản trị, quản trị thế nào, theo phương pháp, cách thức nào để tối đa hiệu quả hoạt động nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển DN một cách bền vững. Đối với DN nhà nước, vấn đề đặt ra, nhiệm vụ hàng đầu là phải quản lý dòng vốn của Nhà nước, vận hành dòng tiền này để mang lại hiệu quả thực sự. Bản chất của DN nhà nước là được Nhà nước đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất. Vì thế, để làm tròn sứ mệnh của mình, các DN nhà nước cần khai thác có hiệu quả hạ tầng cơ sở được giao, đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ trọng tâm về chính trị và đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Có nhiều cách thức để quản trị DN nhưng chúng tôi sẽ lựa chọn cách làm phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp mình, đồng thời bám sát các chuẩn mực, phương pháp, thông lệ của quốc tế, tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý vốn, tài sản, khai thác hạ tầng, đặc biệt sẽ nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành. Xưa nay, vấn đề minh bạch trong quản trị thường ít được quan tâm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, muốn hoạt động hiệu quả thì phải có sự quan tâm đúng mức đối với vấn đề quản trị. Bên cạnh đó, để một DN hoạt động “khỏe” thì cần phải xây dựng bộ máy - con người đảm bảo chất lượng, hợp lý.
Đối với DN nhà nước thì cần phải “đầu tàu” trong các việc khó, dám đảm nhận và đứng ra đảm nhận, thực hiện có hiệu quả những việc khó, những nhiệm vụ mang tính chính trị mà phía DN tư nhân không làm được.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Triển vọng
Kỹ năng của lao động với bất kỳ DN nào, dù là DN sản xuất hay DN thương mại dịch vụ đều rất quan trọng trong việc góp phần tăng năng suất lao động. Khi DN cải thiện được năng suất lao động, đồng nghĩa với việc DN sẽ giảm chi phí nhờ những đổi mới, sáng tạo khiến giá thành sản phẩm hợp lý, DN tăng sức cạnh tranh, từ đó chúng ta có thêm nguồn lực để phát triển. Còn người lao động cũng nhận được chế độ tiền lương tương xứng với năng suất lao động của mình.
Tại Savista, chúng tôi không có tài sản giá trị nào hơn con người nên DN đặc biệt quan tâm đầu tư nâng cao năng lực và kỹ năng của người lao động. Ngay từ đầu chúng tôi đã áp dụng công nghệ quản lý tiên tiến hiện nay. Đặc biệt, trong quá trình này, chúng tôi kịp thời đánh giá, chấn chỉnh, từng bước nâng cao năng suất lao động cho từng nhân viên. Hiệu quả trước mắt cho thấy, doanh thu của DN đã tăng lên nhiều, nguồn lực phục vụ công tác tư vấn cũng nâng lên. Bên cạnh áp dụng công nghệ tiên tiến về quản trị, chúng tôi tối đa hóa hiệu quả từ cách giao việc cho đến chính sách lương đối với từng nhân viên.