Các khu vực thị trường trên cả nước đều có mức tăng trưởng cao, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam với tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 27% và 17%. Ở khu vực miền Trung, sản lượng 6 tháng đầu năm nay đạt đạt gần 60.000 tấn, góp phần vào hoạt động kinh doanh của Ống thép Hòa Phát tại miền Trung – Tây Nguyên đạt mức tăng cao nhất trong số các chi nhánh, đơn vị trực thuộc. Sản lượng xuất khẩu của các sản phẩm này sang Lào cũng đạt kết quả rất khả quan.
Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, nửa đầu năm nay, dù vấp phải những tác động nhất định từ việc áp thuế nhập khẩu của Mỹ, tuy nhiên ống thép Hòa Phát vẫn đạt mức tăng trưởng xuất khẩu trên 60%. Thị trường xuất khẩu chính gồm các nước Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Malaysia, Lào, Campuchia.
Với kết quả kinh doanh khả quan, mới đây, Công ty đã quyết định đầu tư thêm dây chuyền thiết bị sản xuất ống cỡ đại, bao gồm 01 máy xả băng 1600x12mm, 01 máy uốn ống kích cỡ 325mm (ống vuông 250mm), độ dày 12mm. Dây chuyền còn có các thiết bị phụ trợ như : Vét đầu ống, nạo đường hàn trong, máy thử áp lực, đóng bó tự động… Dự kiến, dây chuyền sản xuất ống thép cỡ đại sẽ được lắp đặt tại Nhà máy ống thép Hòa Phát tại Hưng Yên và chính thức cho ra sản phẩm mới vào đầu năm 2019. Đây là Dự án sản xuất ống thép cỡ đại đầu tiên, duy nhất tại khu vực phía Bắc, góp phần khẳng định vị thế số 1 Việt Nam của Ống thép Hòa Phát.
Liên quan đến vấn đề này, thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho hay, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép của Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2017. Riêng đối với ống thép hàn, các thành viên VSA đạt sản lượng bán hàng gần 1,2 triệu tấn, tăng 14,1% so với cùng kỳ, trong đó, lượng xuất khẩu ống thép đạt 167.000 tấn, tăng 40,3%. Điều đó cho thấy mức thuế quan do Mỹ áp đặt không ảnh hưởng quá lớn đến ngành thép khi đã có nhiều thị trường xuất khẩu thay thế tiềm năng cho các doanh nghiệp thép Việt Nam.