Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II: Nhà đầu tư nào “lọt mắt xanh” Bộ Công Thương?

(BĐT) - Bị đánh giá gặp nhiều khó khăn trong thu xếp vốn, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa tuột mất cơ hội trở thành nhà đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 26.000 tỷ đồng.
Vietracimex khẳng định đảm bảo thu xếp đủ vốn đối ứng cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II từ nguồn thu của các dự án đã đi vào hoạt động
Vietracimex khẳng định đảm bảo thu xếp đủ vốn đối ứng cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II từ nguồn thu của các dự án đã đi vào hoạt động

Nhà đầu tư được đề xuất thực hiện Dự án là Liên danh Tổng công ty CP Thương mại xây dựng (Vietracimex) - Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) theo hình thức IPP. 

EVNGENCO2 yếu thế về tài chính

Dự án Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Ô Môn II là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn theo quy hoạch điện VII điều chỉnh với công suất 750 MW, tổng mức đầu tư dự kiến là 26.310 tỷ đồng, dự kiến vận hành năm 2026.

Tại Dự án này, Bộ Công Thương nhận được 2 đề xuất thực hiện đầu tư Dự án. Một là đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc giao cho EVNGENCO2 làm chủ đầu tư. Hai là đề xuất của Vietracimex về việc giao Liên danh Vietracimex - Tập đoàn Marubeni đầu tư. Qua xem xét, đánh giá năng lực của 2 nhà đầu tư, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Liên danh Vietracimex - Tập đoàn Marubeni là nhà đầu tư thực hiện Dự án với năng lực, kinh nghiệm và đặc biệt là khả năng tài chính vững, đảm bảo thu xếp đủ vốn cho dự án này mà không cần bảo lãnh của Chính phủ.

Trong khi đó, EVNGENCO2 dù được đánh giá tốt về kinh nghiệm, song lại gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thu xếp vốn. Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, EVNGENCO2 đã xây dựng phương án thu xếp vốn cho Dự án, song có những rủi ro khi tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu hoặc từ nguồn lợi nhuận để lại hàng năm không được như dự kiến và việc vay vốn thương mại trong nước gặp khó khăn do phải vay vượt hạn mức vốn tự có của ngân hàng theo quy định. Để đảm bảo thu xếp vốn cho Dự án, EVNGENCO2 cần được EVN hỗ trợ trong việc thu xếp vốn đối ứng và vay vốn thương mại cho Dự án, trong khi EVN cũng đang gặp khó khăn trong thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện như: Ô Môn III, IV, Quảng Trạch I… Mặt khác, EVN không khẳng định hỗ trợ EVNGENCO2 đảm bảo thu xếp vốn cho Dự án.

Bên cạnh đề nghị giao Dự án cho Liên danh Vietracimex - Marubeni đầu tư, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ý kiến để làm cơ sở điều chỉnh công suất Dự án thành 1.050 MW (+- 10%) và tiến độ vận hành là năm 2023 - 2024. 

Vietracimex và Marubeni có năng lực tài chính thế nào?

Vietracimex có vốn điều lệ 5.510 tỷ đồng với hơn 20 công ty thành viên.

Các thông tin công khai cũng cho biết, Vietracimex là nhà đầu tư bất động sản lớn, song cũng có không ít lùm xùm trong việc minh bạch thông tin, thậm chí từng bị "tố" chây ì không quyết toán tiền xây dựng cho nhà thầu dù dự án đã hoàn thành nhiều năm.

Còn Tập đoàn Marubeni là tập đoàn hàng đầu về thương mại tổng hợp và đầu tư của Nhật Bản. Theo báo cáo, tổng số vốn của Tập đoàn khoảng 65 tỷ USD. Doanh thu năm 2017 đạt 72 tỷ USD, lợi nhuận ròng là 2 tỷ USD.

Theo đề xuất của Liên danh nhà đầu tư, tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án NMNĐ Ô Môn II là 26.310 tỷ đồng, trong đó, 20% là vốn chủ sở hữu và 80% là vốn vay thương mại.

Với phần vốn đối ứng là 5.262 tỷ đồng, tổng hợp các dự án xây dựng của Vietracimex trong giai đoạn 2020 - 2023 cho thấy, nhiều dự án đã đi vào hoạt động cũng như đang đầu tư, bắt đầu hoạt động năm 2019 (Dự án Điện Hồng Phong 1A; Hồng Phong 1B; Dự án Bất động sản Hinode 201 Minh Khai; Kim Chung Di Trạch); các dự án chuẩn bị đầu tư (Dự án Hòa Tháng vận hành năm 2021...). Vietracimex khẳng định đảm bảo đủ khả năng thu xếp vốn đối ứng cho Dự án từ nguồn thu của các dự án đã đi vào hoạt động. Cụ thể, năm 2020, tổng dòng tiền thu của Vietracimex là 1.428,835 tỷ đồng, chi cho Dự án Ô Môn II là 789,3 tỷ đồng. Năm 2021, tổng dòng tiền thu là 1.677,023 tỷ đồng, chi cho Dự án 1.578,6 tỷ đồng. Năm 2022, tổng dòng tiền thu là 2.058,722 tỷ đồng, chi cho Dự án là 2.104,8 tỷ đồng. Năm 2023, tổng dòng tiền thu là 1.509,556 tỷ đồng, chi cho Dự án là 789,3 tỷ đồng.

Còn lại nhu cầu vốn vay khoảng 21.048 tỷ đồng, Vietracimex đã được Ngân hàng ING của Hà Lan đồng ý thu xếp khoản vốn vay để thực hiện Dự án. Ngoài ta, với tiềm lực tài chính mạnh của Tập đoàn Marubeni, việc huy động vốn sẽ được đảm bảo hơn.

Chuyên đề