Yêu cầu chứng chỉ quốc tế cho gói thầu đào tạo VietGAP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thông tin đến Báo Đấu thầu, một số nhà thầu chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo tiêu chuẩn VietGAP phản ánh tình trạng hồ sơ mời thầu cài cắm nhiều tiêu chí bất cập, đặc biệt là đối với nhân sự chủ chốt. Điều này đang khiến các gói thầu trong lĩnh vực này thiếu đi tính cạnh tranh, hiệu quả và công bằng giữa các nhà thầu.
Tình trạng đưa tiêu chí chứng nhận quốc tế vào hồ sơ mời thầu các gói thầu tư vấn, đào tạo VietGAP làm phát sinh nhiều kiến nghị của nhà thầu. Ảnh: Huấn Anh
Tình trạng đưa tiêu chí chứng nhận quốc tế vào hồ sơ mời thầu các gói thầu tư vấn, đào tạo VietGAP làm phát sinh nhiều kiến nghị của nhà thầu. Ảnh: Huấn Anh

Đấu thầu trong nước, yêu cầu chứng chỉ quốc tế

Ngày 22/11/2021, Ban Quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Hậu Giang (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang) đã mở Gói thầu Tư vấn, đào tạo, lấy mẫu, đánh giá chứng nhận, giám sát… của tiêu chuẩn VietGap trồng trọt. Gói thầu được đấu thầu rộng rãi qua mạng, đến thời điểm đóng thầu, chỉ có Công ty TNHH Giải pháp chất lượng GQS dự thầu. Gói thầu có dự toán 1.098.500.000 đồng.

Ngay từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), một số nhà thầu có văn bản đề nghị sửa đổi một số tiêu chí đánh giá không phù hợp. Nhà thầu cho rằng, HSMT yêu cầu hợp đồng tương tự bao gồm lĩnh vực GlobalGAP, hữu cơ đối với gói thầu chỉ liên quan các công việc tư vấn, đào tạo, lấy mẫu, đánh giá, chứng nhận, giám sát… của tiêu chuẩn VietGAP trồng trọt là chưa phù hợp.

Về điều khoản tham chiếu, HSMT không cung cấp quy mô, số vùng cần thực hiện và số hộ tham gia cần tư vấn, đào tạo, lấy mẫu đánh giá chứng nhận, giám sát… của tiêu chuẩn VietGAP trồng trọt là gây khó khăn cho nhà thầu trong việc xây dựng HSDT.

Đặc biệt, đối với yêu cầu về nhân sự, vị trí tư vấn trưởng đã bị Bên mời thầu đưa ra tiêu chí quá cao, bất cập. Cụ thể, tư vấn trưởng phải có chứng chỉ chuyên gia đánh giá viên trưởng tiêu chuẩn FSSC22000 phiên bản cập nhật version5. Mọi chứng chỉ khác do nhà thầu cung cấp với lý do thay thế chứng chỉ chuyên gia đánh giá viên trưởng tiêu chuẩn FSSC22000 phiên bản cập nhật version 5 đều không được xem xét. Tiêu chí này được áp dụng với cả các vị trí như chuyên gia đào tạo, tư vấn, đánh giá, kiểm nghiệm. Theo các nhà thầu, tiêu chí này không phù hợp với quy định về chuyên gia đánh giá chứng nhận sản phẩm (TCVN11892-1:2017) quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, FSSC22000 là một cơ chế chứng nhận của Hiệp hội Chứng nhận an toàn thực phẩm đối với các đơn vị sản xuất và chế biến thực phẩm. Tiêu chuẩn này quá cao so với quy mô, tính chất của Gói thầu. Theo nhà thầu, nhân sự chỉ cần có chứng nhận thuộc bộ TCVN ISO 22000:2018 là phải được đánh giá đáp ứng yêu cầu.

Các bên mời thầu trả lời như thế nào?

Tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, tình trạng đưa vào HSMT tiêu chí chứng nhận quốc tế tại các gói thầu tư vấn, đào tạo VietGAP khá phổ biến, từ đó phát sinh kiến nghị của nhà thầu.

Ở Hậu Giang, tháng 2/2021, Gói thầu Dịch vụ tư vấn và đào tạo, tư vấn đánh giá tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ khi tổ chức mời thầu cũng chỉ có Công ty TNHH Giải pháp chất lượng GQS tham dự và trúng thầu.

Năm 2019, Nhà thầu GQS đã trúng Gói thầu số 01 Dịch vụ tư vấn đào tạo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ nông sản và thử nghiệm mẫu thuộc Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị năm 2019 của tỉnh Hậu Giang với giá 1.560.000.000 đồng, giảm giá chỉ chưa tới 1%.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại tỉnh Kiên Giang với Gói thầu số 01 Dịch vụ tư vấn đào tạo tiêu chuẩn VietGAP (Ban Quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Kiên Giang làm bên mời thầu); Gói thầu Dịch vụ tư vấn đào tạo đánh giá tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ (Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang làm bên mời thầu); Gói thầu số 01 Dịch vụ đào tạo, tư vấn tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ nông sản và thử nghiệm mẫu. Tại các gói thầu này, Nhà thầu GQS dễ dàng thắng thầu khi không có đối thủ, hoặc đối thủ bị chấm điểm thấp do nhân sự không cung cấp được chứng nhận quốc tế FSSC22000.

Trả lời làm rõ của nhà thầu, các bên mời thầu đều lấy lý do gói thầu sử dụng vốn vay của nhà tài trợ, dự án phải mang tính liên kết chuỗi giá trị nên đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế là phù hợp.

Theo các chuyên gia về đấu thầu, hiện nay tình trạng yêu cầu nhân sự chủ chốt phải cung cấp nhiều chứng chỉ quốc tế đang bị lạm dụng, dẫn tới hiệu quả cạnh tranh trong đấu thầu bị giảm. “Tiêu chuẩn đánh giá nhân sự chủ chốt quan trọng nhất là số năm kinh nghiệm và chuyên ngành đào tạo. Nếu đưa thêm các chứng chỉ, đặc biệt là chứng chỉ không phổ biến là hạn chế nhà thầu”, chuyên gia nhận định.

Chuyên đề