Trong những năm gần đây, VNPT đã đẩy nhanh việc thực hiện thoái vốn khỏi nhiều công ty có hoạt động kinh doanh không thuộc lĩnh vực chính. Ảnh: Lê Tiên |
Mặc dù VITECO kinh doanh kém hiệu quả, số liệu tài chính còn nhiều ý kiến của kiểm toán viên, VNPT vẫn đưa ra mức giá khởi điểm khá cao là 40.789 đồng/cổ phần.
Giá khởi điểm gấp 4 lần mệnh giá
Việc chuyển nhượng vốn của VNPT tại VITECO nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thực hiện Quyết định số 2129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/12/2017 phê duyệt phương án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2018 - 2020.
Mức giá 40.789 đồng/cổ phần được đưa ra dựa trên chứng thư thẩm định giá số 6284/CT-VVFC/BAN3 ngày 28/6/2018 do Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) ban hành. Theo Quyết định phê duyệt phương án thoái vốn được Hội đồng thành viên VNPT thông qua cuối tháng 10/2018, trong trường hợp giá khởi điểm 40.789 đồng/cổ phần thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin thực hiện bán cổ phần chuyển nhượng vốn, giá tham chiếu bình quân này là giá khởi điểm chuyển nhượng vốn. Ngày VNPT đăng thông tin bán đấu giá VITECO trên website chính thức của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) là ngày 16/11.
Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, kể từ đầu năm 2018 đến nay, mức giá cao nhất của cổ phiếu VIE trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ là 15.500 đồng. Như vậy, mức giá tham chiếu trong đợt bán đấu giá của VNPT không thể cao hơn 15.500 đồng. Việc VNPT vẫn giữ nguyên mức giá 40.789 đồng/cổ phần làm giá khởi điểm cho thấy Tập đoàn khá tự tin trong thương vụ thoái vốn này, hoặc VNPT cũng không mặn mà trong việc thoái vốn.
VITECO có gì?
Trước tiên là về tình hình kinh doanh của VITECO, doanh thu bình quân của Công ty trong giai đoạn 2015 - 2017 là 17 tỷ đồng/năm và liên tục suy giảm (năm 2015 đạt gần 21,6 tỷ đồng, giảm xuống còn 17,3 tỷ đồng trong năm 2016 và 12,2 tỷ đồng trong năm 2017). Tương ứng với doanh thu, lợi nhuận ròng của VITECO giai đoạn 2015 - 2017 lần lượt đạt 0,13 tỷ đồng, âm 3,4 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý III/2018, Công ty đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế 7,68 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối quý III/2018, tổng tài sản của VITECO đạt 15,7 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả chiếm 49%. Tuy nhiên, kiểm toán cho biết, dựa trên những thông tin thu thập được chưa thể đánh giá chính xác về số liệu các khoản nợ phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu khác, phải trả người bán và phải trả khác.
Bên cạnh tình hình tài chính, tài sản của VITECO đáng được nhà đầu tư quan tâm là 2 khu đất có tổng diện tích 1.557 m2 trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, khu đất thứ nhất có diện tích 1.046,6 m2, tại địa chỉ số 35 ngõ 61 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Đây cũng là khu đất VITECO đang sử dụng làm văn phòng hoạt động và đã được UBND quận Hai Bà Trưng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Hiện trạng của khu đất là Nhà nước cho thuê và trả tiền hàng năm, thời hạn sử dụng đất 50 năm.
Khu đất thứ hai mà Viteco đang sử dụng có diện tích 516,4 m2 tại số 88 ngõ 250 Khương Trung, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Công ty cho biết sẽ sử dụng khu đất này để xây dựng văn phòng trụ sở làm việc. Hiện trạng khu đất là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất lâu dài.
Trong những năm gần đây, VNPT đã đẩy nhanh việc thực hiện thoái vốn khỏi nhiều công ty có hoạt động kinh doanh không thuộc lĩnh vực chính. Tuy nhiên, nhiều phiên đấu giá đã không diễn ra thành công.