Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn của luồng vốn đầu tư trong ASEAN

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của luồng vốn đầu tư nội khối ASEAN bởi quyết tâm của chính phủ trong việc cổ phần hoá và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.
Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn của luồng vốn đầu tư nội khối ở ASEAN. Ảnh: TTXVN
Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn của luồng vốn đầu tư nội khối ở ASEAN. Ảnh: TTXVN

Theo ông Dato John Chong, Tổng giám đốc Tập đoàn Maybank KimEng của Malaysia, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của luồng vốn đầu tư nội khối ASEAN bởi quyết tâm của chính phủ trong việc cổ phần hoá và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư ASEAN năm 2017 diễn ra tại Singapore mới đây, ông Dato John Chong nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy nhiều cơ hội từ thị trường mua bán, sáp nhập, cổ phần hóa các doanh nghiệp cũng như tiềm năng trong việc đầu tư tài chính cho các dự án thuộc những lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng hay cảng biển ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đặc biệt, ông Dato John Chong cũng chỉ ra rằng trong giai đoạn 2016-2020, khu vực Đông Nam Á cần một nguồn vốn lớn để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng, ước tính lên tới 600 tỷ USD cùng một thị trường tương đối rộng lớn với dân số 630 triệu dân sẽ là "mảnh đất màu mỡ" để các nhà đầu tư khám phá.

Nghiên cứu của Maybank Kim Eng cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nội khối ASEAN đã đạt mức tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2008- 2015. Riêng năm 2015, FDI nội khối ASEAN đã vượt qua dòng FDI từ Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

Tuy nhiên, thương mại nội khối hiện chỉ chiếm 24% kim ngạch thương mại của các nước ASEAN và tiềm năng phát triển còn rất lớn.

Giáo sư Kishore Mahbubani, Trưởng khoa Chính sách công tại Trường Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cũng nhận định triển vọng đầu tư vào ASEAN là rất lớn bởi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phải trải qua nhiều "cơn bão" thì ASEAN là một khu vực khá yên bình và ổn định.

Mặt khác, tuy các nước trong khu vực ASEAN có nhiều điểm khác biệt về chính trị và văn hóa, nhưng với tầm nhìn là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2020 thì khu vực này sẽ tiếp tục là điểm sáng về phát triển kinh tế của thế giới.

Giáo sư Kishore Mahbubani nói: "Cộng đồng kinh tế ASEAN đã hình thành từ cuối năm 2015 là điều kiện thuận lợi để các quốc gia trong khu vực tăng cường giao thương và kết nối. Điều quan trọng là trên cơ sở các khuôn khổ hợp tác đã có, làm sao đẩy mạnh thực thi các cam kết nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư hơn nữa trong khu vực để cùng phát triển".

Dự báo, năm 2017, Maybank Kim Eng cho hay sáu thị trường trọng điểm ASEAN, bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 4,8%, tăng so với 4,6% trong năm ngoái nhờ sự phục hồi của thương mại, giá cả hàng hóa và nhu cầu hàng điện tử toàn cầu tăng.

Trong số đó, Việt Nam dự kiến có mức tăng trưởng khá cao là 6,3% trong năm nay và 6,2% vào năm tới. Năm 2018, sáu thị trường trọng điểm có thể duy trì mức tăng trưởng là 5,3%.

Chính vì vậy, tại Diễn đàn Đầu tư ASEAN năm 2017, hơn 800 đại diện đến từ 126 quỹ đầu tư toàn cầu hiện đang quản lý 18 .000 tỷ USD và 49 doanh nghiệp niêm yết tại Đông Nam Á có tổng giá trị vốn hóa thị trường là 129,7 tỷ USD đã cùng nhau chia sẻ các cơ hội đầu tư trong khu vực trên cơ sở nhận định các xu hướng về địa chính trị, kinh doanh và công nghệ có thể chi phối sự phát triển của ASEAN trong tương lai.

Chuyên đề