Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Những yếu tố giúp vàng “tỏa sáng”
Hồi đầu năm 2017, đồng USD leo lên mức cao nhất trong vòng 14 năm trước kỳ vọng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Điều này gây bất lợi cho giá vàng, tài sản thường có diễn biến ngược chiều với đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, những nghi ngại về khả năng thành công của ông Trump trong việc triển khai một số chương trình được đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đã đẩy đồng USD đi xuống, qua đó tạo động lực cho kim loại quý này tiến bước.
Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị tại nhiều khu vực trên toàn cầu, nhất là tình hình liên quan tới Triều Tiên, cáo buộc Nga can thiệp vào chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và tỷ lệ lạm phát của Mỹ giữ ở mức thấp đã khiến đồng USD có năm sa sút tệ nhất kể từ năm 2003, còn thị trường vàng thì khởi sắc.
Theo nhà phân tích thị trường kỳ cựu Jeffrey Halley của OANDA, sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư Trung Quốc cũng góp phần tạo thêm niềm tin vào vàng trong năm vừa qua. Lượng vàng tiêu thụ tại Trung Quốc trong các tháng 1-9/2017 đạt 815,89 tấn, tăng 15,49% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó việc tiêu thụ vàng miếng là lực đẩy chính.
Trong khi đó, thống kê cho thấy Ngân hàng trung ương Nga đã mua 131 tấn vàng dự trữ trong 9 tháng kể từ đầu năm 2017. Tính đến đầu tháng 12/2017, dự trữ vàng của Ngân hàng trung ương Nga trị giá khoảng 73,6 tỷ USD, cao hơn so với mức 65,5 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Khép lại năm 2017, giá vàng tăng hơn 10%, ghi dấu mức tăng tốt nhất kể từ năm 2010. Tuy nhiên, có một nghịch lý dễ nhận ra là trong năm 2016, giá vàng không có được sức bật mạnh như vậy, bất chấp sự tồn tại của nhiều “chất xúc tác” như cuộc trưng cầu ý dân về việc nước Anh ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Trong khi đó, năm 2017, giá vàng dường như “phớt lờ” một loạt yếu tố bất lợi như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất ba lần, chương trình cải cách thuế của Mỹ, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và đà tăng giá “chóng mặt” của đồng bitcoin.
Như vậy, đồ thị dịch chuyển của giá vàng trong năm qua không hề bằng phẳng, kim loại quý này phục hồi mạnh mẽ kể từ đầu năm tới tháng Chín và thoái lui trong quý cuối cùng của năm do nhu cầu đầu tư rủi ro gia tăng và đồng bạc xanh mạnh lên.
Triển vọng trong năm 2018
Giá vàng có bước khởi đầu khá thuận lợi ngay trong phiên giao dịch đầu năm 2018 khi tăng lên mức cao nhất trong hơn ba tháng. Tuy nhiên, trong cả năm 2018, liệu giá vàng có duy trì được đà tăng tích cực này hay không thì vẫn là một dấu hỏi lớn.
Theo các nhà chiến lược thuộc ngân hàng Goldman Sachs, ba yếu tố có thể khiến giá vàng đi xuống trong vài tháng tới là đà tăng trưởng mạnh của các nền kinh tế phát triển, khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất và các nguy cơ địa chính trị hoặc suy thoái trầm trọng giảm bớt.
Nhà phân tích thị trường James Hughes thuộc AxiTrader cũng cho rằng tình hình bất ổn địa chính trị dịu xuống và việc các ngân hàng trung ương áp dụng chính sách bình thường hóa hay ổn định hóa chính sách tiền tệ đồng nghĩa với nhu cầu đầu tư vào vàng như là kênh trú ẩn an toàn cũng giảm theo.
Theo đó, giá vàng có thể duy trì đà đi lên trong ngắn hạn nhưng cũng có thể rớt xuống dưới mức 1.300 USD/ounce vào thời điểm cuối năm 2018. Các chuyên gia phân tích thuộc Goldman Sachs thậm chí đưa ra dự báo kém lạc quan rằng giá vàng có thể quay trở lại ngưỡng 1.200 USD/ounce vào giữa năm 2018.
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn quan tâm đến kim loại quý này như là phương tiện tích trữ an toàn trước nguy cơ thị trường chứng khoán đảo chiều hay nợ quốc gia của Mỹ tăng vọt, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chính sách cắt giảm thuế. Brien Lundin, biên tập viên của tờ Gold Newsletter và Nitesh Shah, nhà chiến lược hàng hóa tại ETF Securities, đều có chung quan điểm rằng “câu chuyện” giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ không sớm kết thúc, và đây có thể sẽ là lực đẩy giúp giá vàng khởi sắc trong vài tháng tới.
Theo ông Ludin, việc nắm rõ lộ trình nâng lãi suất của Fed là rất quan trọng, song không cần thiết phải lo ngại quá mức về điều đó. Ông lưu ý giá vàng đã giảm khi đón đầu đợt nâng lãi suất của Fed vào tháng 12/2015 và tháng 12/2016, song lại phục hồi ngay khi bắt đầu năm tiếp theo, và kịch bản này có thể lặp lại trong năm nay.
Theo Francisco Blanch, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa tại Bank of America Merrill Lynch, giá vàng đang trên đà tăng lên mức cao nhất trong bốn năm qua là 1.400 USD vào đầu năm 2018. Ông cho rằng lãi suất dài hạn của Mỹ thấp và sự chậm trễ của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc đưa ra các cải cách sẽ hỗ trợ đà tăng của giá vàng.
Tuy nhiên, ông Lundin lại tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng giá vàng sẽ khó cán mốc 1.400 USD/ounce trong năm 2018, vì kim loại quý này đã không thể duy trì được sức mạnh từ đà tăng ấn tượng kể từ hồi tháng Bảy năm ngoái.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Macro Voices, Giám đốc điều hành của tập đoàn CPM, Jeff Christian nhận định rằng giá vàng có thể đạt mức cao kỷ lục vào giai đoạn 2020-2022 nếu xét theo giá trung bình hàng năm. Ông nêu rõ với giá trung bình hàng năm của vàng là 1.650- 1.700 USD/ounce, giá vàng có thể sẽ leo lên ngưỡng 2.000 USD/ounce trong 3-5 năm tới./.