Công nhân làm việc trong một nhà máy lắp ráp xe hơi ở bang Tennessee của Mỹ. |
Nền kinh tế Mỹ đang giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ đó tỷ lệ thất nghiệp nước này đang ở ngưỡng thấp nhất trong vòng 49 năm trở lại đây.
Trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm còn 3,9%. Đây là mức thất nghiệp thấp nhất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ năm 1969 - năm diễn ra lễ hội âm nhạc Woodstock đã đi vào lịch sử. Năm 1969, nước Mỹ có tỷ lệ thất nghiệp là 3,7%.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng trong tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tiếp tục giảm thêm, hướng về mốc 3,5%. Dự báo này hoàn toàn có cơ sở khi các thống kê cho thấy các doanh nghiệp sản xuất của Mỹ tiếp tục nhận thêm nhiều đơn hàng và lĩnh vực dịch vụ cũng tăng trưởng vững.
Số liệu điều chỉnh công bố tuần trước cho thấy trong quý 2 vừa qua, kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,2%, mức tăng mạnh nhất trong 4 năm, cao hơn so với mức tăng 4,1% đưa ra trong lần công bố đầu tiên.
Một vấn đề lớn hiện nay mà các công ty ở Mỹ phải đối mặt là tìm đủ người có kỹ năng cần thiết để lấp đầy số vị trí cần tuyển lớn chưa từng thấy. Sau 8 năm với 19,3 triệu việc làm mới được tạo ra, nước Mỹ đang rơi vào tình trạng cạn nhân tài.
Vào ngày thứ Sáu tuần này, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố thống kê việc làm hàng tháng. Theo dự báo, đã có thêm khoảng 200.000 việc làm mới được tạo ra ở Mỹ trong tháng 8, sau khi có 157.000 công việc mới trong tháng 7.
"Chừng nào các công ty còn tìm được ứng viên đáp ứng đầy đủ nhu cầu tuyển dụng, tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn giảm với tốc độ mạnh mẽ", chuyên gia kinh tế trưởng Stephen Stanley thuộc Amherrst Pierpont Securities nhận định.
Thị trường việc làm của Mỹ hiện nay đang mạnh đến nỗi sẽ không gây lo ngại đáng kể gì nếu tốc độ tuyển dụng có tăng lên hay giảm xuống. Điều mà các nhà đầu tư và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quan tâm là liệu mức độ thiếu nhân lực ngày càng tăng có đẩy tiền lương tăng và khiến lạm phát leo thang.
Cho đến thời điểm hiện tại, câu trả lời là không. Người lao động trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất và những người nhảy việc có thể được hưởng mức lương tăng mạnh, nhưng hầu hết người lao động chỉ được tăng lương khiêm tốn.
Chẳng hạn, lương bình quân theo giờ ở Mỹ chỉ tăng 2,7% trong 12 tháng qua, thấp hơn nhiều so với mức tăng lương 3-4% thường thấy mỗi khi nền kinh tế và thị trường việc làm Mỹ mạnh như hiện nay. Giới phân tích dự báo sẽ đến lúc tăng trưởng tiền lương ở Mỹ đạt mức 3% hoặc hơn.
Cho tới khi tiền lương tăng mạnh hơn, FED nhiều khả năng sẽ duy trì tốc độ tăng lãi suất từ tốn. Lạm phát ở Mỹ cũng đang tăng, nhưng chưa đến ngưỡng nguy hiểm. Chưa kể, các chính sách khó lường của Tổng thống Donald Trump, bao gồm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cũng cho FED một lý do nữa để hành động thận trọng.