Tùy tiện thêm điều kiện đấu giá khai thác chợ tại Đồng Tháp?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bức xúc vì hồ sơ đấu giá bị loại do không đủ số năm kinh nghiệm khai thác dịch vụ chợ, Công ty TNHH Khai thác chợ Công Vinh đã có đơn khiếu nại liên quan đến phương án đấu giá quyền khai thác, thu phí sử dụng dịch vụ chợ trên địa bàn huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) năm 2021 - 2023.
Khai thác, thu phí sử dụng dịch vụ chợ không phải là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Nhã Chi
Khai thác, thu phí sử dụng dịch vụ chợ không phải là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Ảnh: Nhã Chi

Không đủ năm kinh nghiệm để được tham gia đấu giá

Đại diện Công ty TNHH Khai thác chợ Công Vinh là bà Nguyễn Thị Tố Nương cho biết, Công ty khiếu nại Quyết định số 5010/QĐ-UBND ngày 7/12/2020 của UBND huyện Tháp Mười về việc phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác, thu phí sử dụng dịch vụ chợ trên địa bàn huyện từ 2021 - 2023 (gọi tắt là Quyết định số 5010). Sau khi đọc thông báo đấu giá, đại diện Công ty đến Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tháp Mười mua hồ sơ đấu giá theo quy định. Sau khi hoàn tất hồ sơ nộp cho Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tháp Mười thì được một cán bộ thông báo trực tiếp bằng lời là Công ty không đủ điều kiện tham gia đấu giá. Đại diện Công ty thắc mắc lý do thì được hướng dẫn xem quy chế đấu giá tài sản của Công ty Đấu giá hợp danh Tây Đô Đồng Tháp.

Theo quy chế này, Chương I, Điều 1, Mục 2 yêu cầu “đối tượng tham gia đấu giá phải có kinh nghiệm khai thác chợ từ 2 năm trở lên, trong thời hạn 5 năm (từ 2016 - 2020), kèm theo hợp đồng khai thác chứng minh”. Trong khi đó, được biết, Công ty TNHH Khai thác chợ Công Vinh có kinh nghiệm hơn 1 năm khai thác chợ trên địa bàn huyện Tháp Mười.

Ngày 21/12/2020, Công ty TNHH Khai thác chợ Công Vinh nhận được văn bản của Công ty Đấu giá hợp danh Tây Đô Đồng Tháp về việc hồ sơ đấu giá bị loại. Đơn vị tổ chức đấu giá cho biết, quy chế đấu giá tài sản căn cứ vào Quyết định số 5010. “Chúng tôi thấy rằng, Quyết định số 5010 của UBND huyện Tháp Mười chưa phù hợp với quy định pháp luật, đồng thời đưa ra điều kiện có kinh nghiệm khai thác chợ từ 2 năm trở lên không dựa trên bất cứ cơ sở pháp luật nào, ảnh hưởng đến quyền lợi của công ty chúng tôi khi bị loại hồ sơ tham gia đấu giá”, đơn khiếu nại của Công ty TNHH Khai thác chợ Công Vinh nêu rõ.

Có cản trở người tham gia đấu giá?

Theo tìm hiểu, ngày 2/12/2020, UBND huyện Tháp Mười có quyết định phê duyệt giá khởi điểm khai thác, thu phí dịch vụ đò, chợ năm 2021 - 2023. Theo đó, giá khởi điểm 1 năm khai thác, thu phí dịch vụ chợ Tháp Mười là 1,45 tỷ đồng. Ngày 30/12/2020, UBND huyện Tháp Mười phê duyệt kết quả trúng đấu giá khai thác, thu phí dịch vụ đò, chợ 3 năm 2021 - 2023. Theo đó, Doanh nghiệp tư nhân Ánh Nguyệt (đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Nguyệt) trúng đấu giá với giá năm 2021 là 1.719.600.000 đồng, năm 2022 là 1.805.580.000 đồng, năm 2023 là 1.891.560.000 đồng.

Ngày 11/1/2021, trả lời Báo Đấu thầu, ông Lê Văn Ngọt, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết: “Đơn khiếu nại của Công ty TNHH Khai thác chợ Công Vinh không gửi đến Huyện nên Huyện không có cơ sở trả lời. Khi xây dựng phương án đấu giá khai thác, thu phí sử dụng dịch vụ chợ, chúng tôi có xin ý kiến tham mưu của các phòng, ban chuyên môn để làm sao lựa chọn được đơn vị có uy tín, kinh nghiệm. Đồng thời, chúng tôi muốn hạn chế tình trạng mua bán lòng vòng kiếm lời dẫn tới khai thác, thu phí sử dụng dịch vụ chợ không hiệu quả, tiểu thương không đồng tình. Do đó, chúng tôi mới đưa vào yêu cầu 2 năm kinh nghiệm khai thác chợ trở lên. Đến thời điểm đấu giá, có 3 đơn vị tham gia đấu giá, chúng tôi cho rằng vẫn đảm bảo cạnh tranh, hiệu quả”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều đơn vị tổ chức đấu giá cho rằng, không nên đưa điều kiện phải có 2 năm kinh nghiệm khai thác chợ trở lên vào quy chế đấu giá. Khai thác, thu phí sử dụng dịch vụ chợ hoàn toàn không phải là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Do đó, bất kỳ doanh nghiệp nào có đăng ký kinh doanh và đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản đều có quyền tham gia. Huyện đưa thêm yêu cầu về số năm kinh nghiệm có thể coi như làm khó, cản trở người tham gia đấu giá. Bởi Luật Đấu giá tài sản đã quy định, ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá.

Một cán bộ đấu giá cho biết: “Nếu huyện muốn có những ràng buộc cụ thể hơn với đơn vị trúng đấu giá nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của người đóng phí thì cần ràng buộc trong hợp đồng dân sự giữa chủ tài sản với đơn vị trúng đấu giá. Hợp đồng càng chặt chẽ càng ràng buộc trách nhiệm của đơn vị trúng đấu giá nhằm nâng cao hiệu quả khai thác chợ, đem lại nguồn lợi cho huyện. Không thể vì thế mà tùy tiện đưa điều kiện vào quy chế đấu giá để hạn chế người tham gia đấu giá ngay từ đầu”.

Chuyên đề