John K. Waters, mục tiêu chính của cuộc giải cứu. Ảnh:Strijdbewijs.
Thất bại thảm hại của quân đội Mỹ trong lần đụng độ đầu tiên với phát xít Đức tại đèo Kasserine, Tunisia năm 1943 đã khiến thiếu tướng Lloyd Fredendall mất chức tư lệnh Quân đoàn II Mỹ vào tay trung tướng George S. Patton.
Chức vụ mới này đã giúp tướng Patton có điều kiện thực hiện nguyện vọng riêng, đó là giải cứu trung tá John K. Waters, người con rể của ông bị quân Đức bắt làm tù binh sau trận Kasserine, theo History.
Đến tháng 3/1945, Patton là chỉ huy Tập đoàn quân số 3 của Mỹ, đảm nhiệm cánh phải của lực lượng Đồng minh vượt sông Rhine tiến đánh nước Đức. Trại tù binhOflag XIII-B ở Hammelburg, được cho là nơi giam giữ con rể ông, nằm cách đó khoảng 80 km, sâu đằng sau chiến tuyến của quân Đức.
Ngay khi được lệnh chuyển hướng tấn công sang phía bắc, Patton đã lên kế hoạch tập kích trại tù binh này với lý do lo ngại tù binh Mỹ bị hành quyết, bất chấp các sĩ quan thuộc quyền phản đối.
Patton quyết định thành lập một đội đặc nhiệm tinh nhuệ để tiến hành nhiệm vụ giải cứu các tù binh ở Hammelburg. Ông còn cử thiếu tá Alexander Stiller, trợ lý thân cận của mình, đi theo đội đặc nhiệm để nhận dạng Waters.
Các sĩ quan thuộc quyền của tướng Patton lên tiếng phản đối kế hoạch, cho rằng trận tập kích là quá liều lĩnh và không cần thiết. Khi biết không thể ngăn cản Patton, họ đề xuất sử dụng lực lượng cỡ trung đoàn để thực hiện trận tập kích, nhưng tướng Patton chỉ đồng ý triển khai một tiểu đoàn khoảng 300 binh sĩ cùng một số xe tăng hạng trung và hạng nhẹ.
Đội đặc nhiệm Baum (TFB) gồm 300 lính do đại úy Abraham Baum, sĩ quan dày dạn kinh nghiệm của Sư đoàn thiết giáp số 4, được thành lập để tấn công vào Hammelburg, nhằm giải cứu khoảng 300 sĩ quan Mỹ bị giam giữ tại đây.
Trận tập kích thảm họa
Tướng George S. Patton. Ảnh:John Q.
Trại tù binh Oflag XIII-B lúc này đang trong mùa đông lạnh giá. Điều kiện thiếu thốn đến mức các tù bình thường xuyên bị bỏ đói, nhiều người không đủ sức bước đi. Waters mới bị chuyển đến trại này hồi đầu tháng 3/1945 sau hành trình dài 547 km từ một trại khác ở Ba Lan.
Tối ngày 26/3, đội đặc nhiệm TFB lên đường thực hiện nhiệm vụ giải cứu với 303 lính, 11 sĩ quan, 16 xe tăng, 28 xe bán tải chở quân, 13 xe jeep và các loại xe nhỏ khác. Họ chỉ có vài tấm bản đồ và không biết địa điểm chính xác của trại tù binh. Điều này khiến đội phải mò mẫm tìm đường trong đêm, đồng thời hỏi đường người dân địa phương.
Quân Đức nhanh chóng nhận ra sự hiện diện của đội quân này. Cho rằng đây là mũi tiên phong trong một cánh quân lớn của Mỹ thọc sâu vào lãnh thổ, quân Đức nhanh chóng triển khai lính và xe thiết giáp để săn lùng đội đặc nhiệm và thiết lập thế trận phòng thủ.
Đội đặc nhiệm của Baum đụng độ ngày càng nhiều các toán lính Đức trên đường đi. Đến chiều ngày 27/3, họ đến gần trại tù Oflag-XIII-B với chỉ khoảng một nửa quân số đủ sức chiến đấu, số còn lại đã chết, bị thương hoặc kiệt sức sau những trận giao tranh ác liệt với quân Đức.
Đội đặc nhiệm Mỹ vẫn tấn công trại tù theo kế hoạch. Do nhầm tưởng tù binh Serbia mặc quân phục màu xám là lính Đức, họ đã xả đạn làm nhiều tù binh thiệt mạng. Tướng Đức chỉ huy trại tù binh nhanh chóng nhận ra việc bị áp đảo về quân số và mục đích cuộc tấn công nên đề nghị đưa Waters ra đàm phán. Khi Waters và một số tù binh khác tiến về phía lực lượng Baum, một lính canh Đức không nắm được tình hình đã bắn vào mông Waters.
Baum nhận thấy không thể đưa hết số tù binh được giải cứu về lãnh thổ Đồng minh nên ưu tiên giải cứu các sĩ quan cấp cao, để các tù binh còn lại lựa chọn hành quân cùng họ hoặc tự lo liệu. Hầu hết tù nhân do quá kiệt sức nên xin được ở lại. Bản thân Waters cũng không đủ sức di chuyển và phải để các bác sĩ quân y chữa trị.
Baum dẫn đầu đội hình hành quân về khu vực an toàn trong đêm tối. Đoàn xe hiếm khi bật đèn vì lo sợ quân Đức phát hiện, các xe cũng thường xuyên phải tắt máy để giữ im lặng khi ẩn náu. Lính Đức còn sử dụng xe tăng Sherman thu được của Mỹ và cố tìm cách liên lạc bằng tiếng Anh qua radio để khiến đội đặc nhiệm bộc lộ vị trí.
Nhiên liệu cạn dần, Baum buộc phải ra lệnh cho đoàn xe dừng lại cho đến khi trời sáng để dễ định hướng di chuyển. Tuy nhiên,trong lúc quân Mỹ chờ đợi, lực lượng Đức đã bao vây xung quanh.
Rạng sáng ngày 28/3, khi đội hình hành quân chuẩn bị lên đường, tiếng súng vang lên từ mọi hướng. Tất cả đều thất thủ chỉ sau vài phút ngắn ngủi. Baum bị trúng đạn ở đùi và bị đưa trở lại trại tù Oflag-XIIIB cùng Waters và nhiều người khác. Tổng cộng có 32 lính Mỹ thiệt mạng trong lúc giao tranh, 247 người bị thương, mất tích hoặc bị bắt làm tù binh. Chỉ 35 người trong đội đặc nhiệm tìm được đường trở về đơn vị.
Dù trận tập kích thất bại, đội đặc nhiệm của Baum đã chọc thủng một phần phòng tuyến Đức, tạo điều kiện cho quân Mỹ tiến vào chiếm thêm lãnh thổ và đẩy nhanh đà tiến công. Ngoài ra, nhiệm vụ giải cứu này đã khiến quân Đức bị đánh lạc hướng, cho phép Quân đoàn 3 của Patton chuyển hướng tấn công sang phía bắc và giành nhiều thắng lợi.
Lực lượng Mỹ giải phóng nhà tù Oflag XIII-B. Ảnh:War History Online.
Do liên tục thất thủ trên chiến trường, Đức buộc phải di tản nhà tù Oflag XIII-B, bỏ lại phía sau những người không thể đi lại, trong đó có Baum và Waters. Ngày 6/4, lực lượng Mỹ đã giải phóng nhà tù Oflag XIII-B, cứu được Baum và Waters.
Đại úy Baum sau đó được tướng Patton trao Huân chương Chữ thập vì đã chỉ huy cuộc tập kích. Bất cứ hình thức khen thưởng cao hơn nào đều cần phải điều tra thành tích, trong khi tướng Patton lại muốn giữ kín chiến dịch đầy liều lĩnh này. Con rể Waters của ông sau này trở thành một viên tướng trong quân đội Mỹ.