Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản. Ảnh: VGP
Các nước Mekong đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong thúc đẩy kết nối khu vực, thông qua nhiều hoạt động có bản sắc riêng như các sáng kiến “Đối tác vì hạ tầng chất lượng cao”, “Thập kỷ hướng tới Mekong xanh”. Trao đổi về phương hướng hợp tác, các nước cam kết đẩy mạnh triển khai Chiến lược Tokyo 2018 đồng thời với việc triển khai SDGs trong tổng thể khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và Kế hoạch Tổng thể ACMECS.
Các nhà lãnh đạo nhất trí cần tăng cường hơn nữa kết nối, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ môi trường, giảm thiểu hậu quả thiên tai, gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước sông Mekong; tăng cường hợp tác với Uỷ hội sông Mekong nhằm hiện thực hóa Mekong xanh và “Sáng kiến hợp tác Mekong-Nhật Bản về phát triển bền vững SDGs hướng tới 2030”, áp dụng các thành tựu của cách mạng 4.0 phát triển đời sống kinh tế-xã hội tại Mekong.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh sáng kiến thiết lập “Đối tác năng lượng khu vực Mekong” (JUMPP) của Nhật Bản và Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ các nước Mekong phát triển năng lượng một cách bền vững. Liên quan tới hợp tác kinh tế, các nước nhấn mạnh tính cấp thiết của kết nối số giữa các nền kinh tế Mekong và Nhật Bản; đánh giá cao phê duyệt Tầm nhìn về Phát triển Công nghiệp Mekong 2.0 (MIDV2.0).
Lãnh đạo các nước Mekong và Nhật Bản. Ảnh: VGP
Riêng về Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam và ASEAN. Nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với khu vực, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các nước đề cao luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, kiềm chế, đối thoại hợp tác vì an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 11 và Sáng kiến Mekong-Nhật Bản về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) hướng tới 2030.