Toàn cảnh họp phiên toàn thể. Ảnh: TTXVN |
Buổi sáng:
1. Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018:
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018; nghe Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018.
Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 (với tỉ lệ 88,80%).
2. Biểu quyết thông qua Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 4 - Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (với tỉ lệ 84,73%), Điều 11 - Hỗ trợ mặt bằng sản xuất (với tỉ lệ 81,47%) và toàn văn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (với tỉ lệ 83,50%).
3. Thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015:
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tiếp tục điều khiển phiên họp về nội dung này. Trong quá trình thảo luận, đã có 10 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Đánh giá về các Báo cáo (Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Chính phủ; Báo cáo kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước năm 2015 của Kiểm toán nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách);
- Về việc chấp hành các quy định của pháp luật về thu ngân sách nhà nước năm 2015;
- Về việc phân bổ, giao dự toán và chấp hành dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra;
- Giải pháp để tăng thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi, tăng cường kỷ luật tài chính trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phát biểu tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cũng trong buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez đã thăm và có bài phát biểu trước Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Buổi chiều: Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.
1. Biểu quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp thứ 3 của Quốc hội:
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo dự kiến điều chỉnh chương trình làm việc của Quốc hội từ ngày 16-6 đến bế mạc kỳ họp.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua chương trình làm việc từ ngày 16-6 đến bế mạc kỳ họp (với tỉ lệ 86,97%).
2. Biểu quyết thông qua Luật quản lý ngoại thương:
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quản lý ngoại thương.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 6 - Trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương (với tỉ lệ 89,21%), Điều 7 - Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý ngoại thương (với tỉ lệ 88,19%) và toàn văn Luật quản lý ngoại thương (với tỉ lệ 88,19%).
3. Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng:
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Sau đó, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong quá trình thảo luận, đã có 17 đại biểu Quốc hội phát biểu và 01 đại biểu Quốc hội tranh luận. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Tính pháp lý, thời hạn của dự thảo Nghị quyết; bổ sung quy định về xử lý nợ xấu trong các văn bản pháp luật liên quan; kết quả dự kiến đạt được và tác động xã hội khi triển khai Nghị quyết;
- Phạm vi điều chỉnh, tên gọi, đối tượng áp dụng; khái niệm nợ xấu; phân loại nợ xấu; nguyên tắc xử lý nợ xấu;
- Về phương thức bán nợ xấu theo giá thị trường;
- Quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng; việc xác định hiệu lực của hợp đồng cho vay, bảo lãnh tài sản bảo đảm; cơ chế xử lý tranh chấp trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm; vấn đề kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; bổ sung người chứng kiến khi kê biên tài sản; về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án; về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm;
- Về xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu;
- Về trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai Nghị quyết;
Sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ ba, ngày 13/6/2017, Quốc hội làm việc tại hội trường. Quốc hội sẽ nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Phiên họp sẽ được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp.