Bản tin thời sự sáng 5/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xử lý sạt lở bờ bao bùn thải ở bãi rác lớn nhất Hà Nội; TP.HCM di dời, đốn gần 100 cây xanh mở rộng đường vào Tân Sơn Nhất; ngành đường sắt lãi đậm quý đầu năm 2024; thanh long tăng giá gấp rưỡi…

Xử lý sạt lở bờ bao bùn thải ở bãi rác lớn nhất Hà Nội

Bờ bao bãi Ô 1 bị sạt lở khiến bùn thải tràn xuống đường nội bộ tiếp giáp suối Lai Sơn trong khuôn viên bãi rác Nam Sơn.

Công nhân khắc phục sự cố tràn bùn thải ở bãi rác Nam Sơn

Công nhân khắc phục sự cố tràn bùn thải ở bãi rác Nam Sơn

Đơn vị liên danh quản lý Khu xử lý rác thải Nam Sơn cho biết, sự cố xảy ra lúc 17h30 ngày 3/5. Khoảng 40 công nhân viên và xe máy được huy động khắc phục sự cố, đắp đất khoanh vùng và dùng xe hút, không để bùn thải chảy ra suối Lai Sơn. Trong thời gian đó, việc tiếp nhận rác tại khu vực phía Bắc (bị tràn bùn) được chuyển sang bể chứa Nhà máy Điện rác Sóc Sơn ở phía Nam.

Đến 11 giờ ngày 4/5, việc tổng vệ sinh tại trục đường nội bộ đã được đơn vị vận hành xử lý triệt để, việc tiếp nhận rác trở lại bình thường.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên nhân sự cố là do bờ bao hố bùn được đắp trên nền rác. Theo thời gian, rác sụt lún làm giảm liên kết bờ bao. Mưa lớn kéo dài liên tục với lượng mưa đo được khoảng 100 mm cũng dẫn đến sạt lở.

Để ngăn sự cố tái diễn, Sở yêu cầu đơn vị vận hành bãi rác Nam Sơn là Liên danh Công ty CP Xây dựng dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Sơn Tây rà soát các vị trí xung yếu, có giải pháp phòng ngừa sự cố. Bên cạnh đó, Liên danh cần tăng cường giám sát, kiểm tra, bố trí nhân lực và máy móc để xử lý kịp thời các tình huống, không ảnh hưởng tới môi trường và dân sinh.

Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 6.500 - 7.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó 5.000 tấn được xử lý tại bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn và 1.500 tấn tại bãi rác Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây.

Bãi rác Nam Sơn được xây dựng từ năm 1996, sau nhiều lần mở rộng, đến nay có diện tích khoảng 120 ha. Việc chôn lấp rác tại bãi Nam Sơn dừng vào năm 2022 khi Nhà máy Điện rác Thiên Ý đi vào hoạt động.

TP.HCM di dời, đốn gần 100 cây xanh mở rộng đường vào Tân Sơn Nhất

Gần 100 cây xanh trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình (TP.HCM) được di dời, đốn hạ để thi công mở rộng nền đường, giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Cây sau khi chặt hạ được tập kết trên đường chờ chuyển đi

Cây sau khi chặt hạ được tập kết trên đường chờ chuyển đi

Hàng cây dọc hai bên đường Hoàng Hoa Thám, đoạn từ Cộng Hòa đến giáp ranh sân bay Tân Sơn Nhất, được đồng loạt di dời, chặt hạ những ngày qua. Phần lớn cây thuộc loài me tây, sọ khỉ. Cây lớn đường kính khoảng 1 m, cao 20 - 30 m. Nhiều cây sau khi chặt đã được cưa ngắn thành khúc, gỗ tập kết bên đường chờ chuyển đi.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Chủ đầu tư), hàng cây này nằm trong phạm vi Dự án Mở rộng đường Hoàng Hoa Thám đoạn từ Cộng Hòa đến cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) nên việc giải tỏa là bắt buộc để phục vụ thi công, di dời hạ tầng kỹ thuật. Phần lớn các cây đã trồng lâu năm, việc bứng dưỡng, chuyển qua nơi khác trồng lại khó khăn, chăm sóc tốn kém nên phải đốn hạ. Sau khi Dự án hoàn thành, dọc tuyến sẽ được trồng lại cây mới.

Dự án có chiều dài tuyến gần 800 m, mở rộng đường từ 8 - 10 m lên 22 m, kinh phí gần 300 tỷ đồng. Sau 8 năm được duyệt, đến nay Dự án mới bắt đầu thi công do vướng giải phóng mặt bằng. Dự kiến, công trình hoàn thành cuối năm nay, cùng với đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa. Khi đó, đây sẽ là hai trục huyết mạch ra vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, giúp giảm ùn tắc cho khu vực.

TP.HCM đang đồng loạt triển khai nhiều công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm nên khối lượng cây xanh cần giải tỏa cũng rất lớn. Ngoài đường Hoàng Hoa Thám, hơn 400 cây xanh dọc một số tuyến đường quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú sắp tới cũng sẽ bị chặt hạ, di dời để thi công Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Ngoài ra, gần 200 cây dọc đường Võ Nguyên Giáp, TP. Thủ Đức cũng sẽ được di dời làm công trình hạ tầng kỹ thuật, trạm xe buýt... phục vụ Dự án Tăng khả năng tiếp cận metro Bến Thành - Suối Tiên.

Ngành đường sắt lãi đậm quý đầu năm 2024

Nhu cầu đi lại tăng cao, giá vé hợp lý giúp Đường sắt Hà Nội và Sài Gòn báo lãi quý đầu năm gấp 3 lần kế hoạch năm 2024.

Hành khách lên tàu tại ga Sài Gòn trong dịp lễ 30/4 vừa qua

Hành khách lên tàu tại ga Sài Gòn trong dịp lễ 30/4 vừa qua

Báo cáo tài chính của Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) cho thấy, doanh thu quý I đạt hơn 710 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2023, đạt mức cao nhất gần 9 năm qua. Doanh nghiệp báo lãi hơn 34 tỷ đồng sau thuế, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức trên cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 84 tỷ đồng quý cuối năm ngoái.

Tương tự, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn (SRT) ghi nhận doanh thu 3 tháng đầu năm tăng hơn 13% lên khoảng 556 tỷ đồng, mức cao nhất gần 5 năm qua. Lợi nhuận sau thuế tích lũy thêm 25%, đạt gần 33 tỷ đồng, cải thiện hơn hẳn mức lỗ gần 70 tỷ đồng cuối năm 2023.

Chỉ sau 3 tháng đầu năm 2024, Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đã hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm lần lượt khoảng 2,8 lần và 3 lần. Năm nay, hai doanh nghiệp lo ngại nền kinh tế và thu nhập người dân chưa phục hồi ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, lạm phát tăng, đẩy giá nhiên liệu lên cao nên đề ra kế hoạch kinh doanh rất thận trọng.

Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là hai thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). HRT quản lý các tuyến từ Hà Nội đi TP.HCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và hai tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. Công ty còn tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Hữu Nghị. Doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu 600 toa vận chuyển khách hàng, 3.300 toa vận chuyển hàng hóa với 5.000 lao động.

Trong khi đó, SRT quản lý các tuyến từ TP.HCM đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn... Công ty này còn kinh doanh tour du lịch tới các điểm danh lam, thắng cảnh. Ngoài ra, SRT còn sở hữu địa điểm kinh doanh tại những nhà ga lớn trên cả nước như Sóng Thần, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Giáp Bát, Hà Nội, Lào Cai và Đồng Đăng.

Thanh long tăng giá gấp rưỡi

Mỗi kg thanh long loại 1 tại vườn được thương lái thu mua với giá 45.000 đồng/kg, tăng 40 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thanh long tại nhà vườn ở Bình Thuận

Thanh long tại nhà vườn ở Bình Thuận

Tại nhiều vùng trồng ở Tiền Giang, Long An, Bình Thuận, trái thanh long loại 1 được thương lái thu mua với giá 45.000 đồng/kg, loại 2 dao động 35.000 - 40.000 đồng/kg. Với những thương lái mua xô (gồm cả lớn lẫn nhỏ), giá là 35.000 đồng/kg, tăng 40 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 20% so với đầu năm.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vina Fruit) cho biết, thông thường từ tháng 12 đến tháng 5, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu thanh long để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước. Do đó, giá liên tục đi lên.

Ngoài ra, diện tích thanh long trên cả nước cũng có xu hướng giảm do năm 2023 giá mặt hàng này ở mức thấp khiến nhiều nhà vườn chuyển sang trồng các loại cây khác như sầu riêng, mít... Trong khi đó, các vùng trồng thanh long đang phải đối mặt với tình trạng hạn mặn khiến sản lượng suy giảm.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng lưu ý, từ tháng 6 đến tháng 11, Trung Quốc sẽ vào vụ thu hoạch, do đó giá thanh long có thể giảm trở lại.

Hiện ngoài thị trường Trung Quốc, trái thanh long Việt Nam còn xuất khẩu vào nhiều thị trường khác như Thái Lan, Campuchia, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Số liệu từ hải quan cho thấy, xuất khẩu thanh long 2 tháng đầu năm đạt 117 triệu USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ đầu tư đầu tiên của tòa Saigon One Tower bị cưỡng chế thuế

Nợ quá hạn gần 30 tỷ đồng tiền thuế, chủ đầu tư ban đầu của tòa nhà Saigon One Tower bị cơ quan thuế cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn.

Dự án Saigon One Tower hiện được đổi tên thành IFC One Tower

Dự án Saigon One Tower hiện được đổi tên thành IFC One Tower

Cục Thuế TP.HCM đã có quyết định cưỡng chế thuế với Công ty CP Sài Gòn One Tower bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn trong 1 năm, từ ngày 23/4 vì nợ thuế gần 30 tỷ đồng quá thời hạn nộp 90 ngày.

Công ty CP Sài Gòn One Tower tiền thân là Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C. Đây là liên doanh giữa M&C và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), Công ty TNHH Đất Thủ đô. Doanh nghiệp này chuyên đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh doanh bất động sản.

Năm 2012, Đất Thủ đô thoái vốn, thay vào đó là nhóm cổ đông gồm Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), Công ty TNHH Chứng khoán DongA Bank, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Ba năm sau, tức vào năm 2015, Saigontourist và PNJ cũng lần lượt thoái vốn khỏi Công ty.

Công ty này được biết đến là chủ đầu tư ban đầu của tòa nhà Saigon One Tower có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Công trình khởi công năm 2008, nằm trên khu đất "vàng" rộng hơn 6.600 m2 tại góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt (Quận 1). Cao ốc này được kỳ vọng sẽ là một trong những công trình đẹp nhất tại trung tâm TP.HCM khi hoàn thành.

Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản "đóng băng" cùng với tình hình góp vốn không đầy đủ của các chủ đầu tư, Dự án buộc phải dừng triển khai thi công từ năm 2011, khi đã xây dựng được khoảng 80% phần thô.

Sau khi ngưng thi công, Dự án bắt đầu thập niên bị bỏ hoang, thu giữ để xử lý nợ.

Sau nhiều lần đổi chủ, Dự án Saigon One Tower hiện thuộc sở hữu của Công ty Viva Land - thành viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Dự án cũng đổi tên thành IFC One Tower. Năm 2022, tòa nhà được ốp tạm kính, lắp đèn để che phần thô, đảm bảo mỹ quan cho khu trung tâm Thành phố.

Bộ Công an yêu cầu Quảng Ngãi cung cấp tài liệu các dự án trồng, chăm sóc cây xanh

Theo đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn hỏa tốc gửi các cơ quan liên quan yêu cầu cung cấp tài liệu, hồ sơ các dự án trồng, chăm sóc cây xanh đô thị.

Phạm vi cung cấp thông tin, tài liệu là các dự án trồng, chăm sóc cây xanh đô thị từ năm 2019 đến hết năm 2023 tại Quảng Ngãi

Phạm vi cung cấp thông tin, tài liệu là các dự án trồng, chăm sóc cây xanh đô thị từ năm 2019 đến hết năm 2023 tại Quảng Ngãi

Theo đó, Công văn hỏa tốc số 2216 do ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi ký ban hành yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị trực thuộc UBND Tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tập trung, khẩn trương rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án trồng, chăm sóc cây xanh, chỉnh trang đô thị từ năm 2019 đến hết năm 2023 tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, báo cáo UBND Tỉnh thông qua Sở Tài chính Tỉnh chậm nhất đến ngày 4/5.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn giao Sở Tài chính Tỉnh chủ trì, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện, tổng hợp, tham mưu UBND Tỉnh để gửi Cơ quan An ninh điều tra chậm nhất vào ngày 6/5.

Văn bản cũng nêu rõ, các cơ quan, đơn vị liên quan phải báo cáo đầy đủ thông tin theo yêu cầu và hướng dẫn của Cơ quan An ninh điều tra; tài liệu gửi kèm phải đóng dấu treo, giáp lai của cơ quan, đơn vị cung cấp.

Trước đó, ngày 22/4, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an có công văn gửi tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu liên quan đến các dự án trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn Tỉnh.

Khởi tố Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng

Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố bị can đối với ông Phạm Bé, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Tỉnh để điều tra hành vi nhận hối lộ thời kỳ ông làm Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Tỉnh.

Ô tô chờ đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng

Ô tô chờ đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng

Ngày 4/5, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố bị can đối với ông Phạm Bé, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng để điều tra hành vi nhận hối lộ thời kỳ ông làm Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Lâm Đồng (năm 2022 trở về trước).

Cơ quan Công an cũng thực hiện lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Phạm Bé. Ông này được cho tại ngoại để phục vụ quá trình điều tra.

Liên quan đến vụ việc, Công an tỉnh Lâm Đồng đồng thời thực hiện khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh Văn Đội, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tỉnh Lâm Đồng để điều tra hành vi nhận hối lộ.

Động thái này được cơ quan điều tra đưa ra sau hơn một năm điều tra sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng. Cùng ngày, cảnh sát đã khám xét nơi ở và nơi làm việc của hai bị can để thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra.

Tháng 4/2023, ông Phan Hoàng Vũ, Phó Giám đốc và Phạm Tấn Tấn, Phó phòng Kiểm định; Hồ Tấn Phương, Huỳnh Tân Hiệp (đăng kiểm viên) và Phùng Văn Hồng, Thanh tra viên Sở Giao thông vận tải bị Công an tỉnh Lâm Đồng bắt tạm giam về hành vi Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Môi giới hối lộ.

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng trực thuộc Sở Giao thông vận tải. Vào thời điểm đó, cơ quan điều tra cáo buộc vợ của bị can Phùng Văn Hồng làm Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc - chuyên thiết kế, cải tạo ô tô, đưa đến Trung tâm Đăng kiểm 49-01S ở Đà Lạt và 49-02S ở Bảo Lộc (chi nhánh của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng) để đăng kiểm.

Mỗi lần đem xe đến, ông Hồng kẹp 500.000 đồng vào hồ sơ đưa cho đăng kiểm viên để được bỏ qua các lỗi không nghiêm trọng.

Theo cơ quan điều tra, ông Hồng còn có hành vi giả chữ ký của nhân viên và vợ trong các bản thiết kế, cải tạo xe cơ giới để gửi lên Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng xin thẩm định, phê duyệt.

Chuyên đề