Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Donald Trump cam kết sẽ thay đổi và nhắc đến sự bất định trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại hồi tháng 4. Trump nói ông sẽ "rũ bỏ gỉ sét trong chính sách đối ngoại" và Mỹ sẽ "khó đoán và bắt đầu khó đoán từ ngay lúc này".
Sáng sớm 9/11, trong bài phát biểu chiến thắng, Trump "muốn nói với thế giới rằng, dù luôn đặt lợi ích Mỹ lên hàng đầu, chúng tôi vẫn đối xử bình đẳng với mọi người", CNN đưa tin.
Tổng thống Pháp Francois Hollande ngay sau đó nêu ra nguy cơ mà giới lãnh đạo thế giới nhìn thấy trong con người khó đoán do cử tri Mỹ vừa chọn ra.
"Cuộc bầu cử Mỹ mở ra giai đoạn bất ổn", ông Hollande cho biết. "Tôi phải nói rõ và thẳng thắn". Phản ứng trên "thẳng thắn khác thường" bởi ở cấp độ chính phủ, các quan ngại thường "được khoác lên những từ ngữ ngoại giao màu mè".
Liệt kê ra hàng loạt vấn đề Pháp và Mỹ đang hợp tác, bao gồm đối phó chủ nghĩa khủng bố, ông Hollande nói "điều gặp rủi ro là hòa bình, cuộc chiến chống khủng bố, tình hình Trung Đông, quan hệ kinh tế và bảo vệ hành tinh này".
Trong suốt thời gian tranh cử năm nay, Trump đưa ra lập trường về chính sách đối ngoại, có thể "viết lại" nền tảng các liên minh ở châu Á, châu Âu và Trung Đông, tái xem xét những thỏa thuận quốc tế đã đạt được như Thỏa thuận Paris về đối phó biến đổi khí hậu.
Ông nhắc đến chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa bảo hộ và dùng khẩu hiệu "America First" (Nước Mỹ trước tiên) của nhóm hoạt động cùng tên từng phản đối Mỹ tham gia Thế Chiến II. Trump có thể áp dụng chúng tại Phòng Bầu dục, nhằm vào hai thành tựu nổi bật trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama.
Trump hứa xem xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran mà chính quyền Obama mất nhiều năm đàm phán cùng với nhiều đối tác quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc. Ông còn tính đảo ngược lại sự phá băng quan hệ ngoại giao với Cuba.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest được hỏi về khả năng Trump đảo ngược thành tựu của người tiền nhiệm. "Vẫn còn quá sớm để biết quyết định mà tổng thống đắc cử Trump sẽ đưa ra và tác động của chúng đến những chính sách mà ông Obama phải vất vả mới đạt được", Earnest trả lời.
Trong hàng loạt thông báo liên tiếp ngày 9/11, các lãnh đạo thế giới tìm cách trấn an về quan hệ của họ với Mỹ. Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị được hợp tác với Mỹ nhưng có các điều kiện đi kèm.
"Đức và Mỹ liên kết với nhau bởi nhiều giá trị chung, như dân chủ, tự do, tôn trọng luật pháp và nhân phẩm, bất kể màu da, tôn giáo, giới tính, khuynh hướng tình dục hay niềm tin chính trị", bà Merkel nói. "Dựa trên những giá trị này, tôi đề nghị được hợp tác chặt chẽ với tổng thống Mỹ tương lai".
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nhập cư do nội chiến Syria gây ra, đối phó cái gọi là sự gây hấn của Nga ở các nước Baltic vả Ukraine.
"Dù tôn trọng lựa chọn dân chủ của người Mỹ, chúng ta cùng phải nhận thấy những thách thức mới đi kèm với kết quả này. Một trong số đó là về sự ổn định trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương tương lai của chúng ta". Nếu Trump làm như đã nói, sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra về quan hệ tương lai giữa Mỹ với khu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Tại châu Âu, Trump nghi ngờ về sự phụ thuộc vào Mỹ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và yêu cầu những nước thành viên đóng góp thêm cho chi tiêu quốc phòng. Trump ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo mạnh mẽ.
Phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow can thiệp vào tình hình ở Ukraine, sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, Trump cho rằng ông và Tổng thống Putin sẽ phối hợp tốt và Nga "không xâm chiếm Ukraine".
Putin cũng chúc mừng Trump, nói "Nga sẵn sàng và muốn khôi phục lại toàn bộ các mối quan hệ với Mỹ". Ông cho biết thêm điều này "vì sự tốt đẹp cho cả người dân Nga và Mỹ".
Vyacheslav Nikonov, nghị sĩ quốc hội Nga, cho biết Moscow nghĩ Trump "hiểu một số thực tế" về Nga và Ukraine, cũng như lệnh trừng phạt. "Là doanh nhân, ông ấy hiểu rất rõ rằng những lệnh trừng phạt là có hại, không chỉ với kinh tế Nga mà còn với cả châu Âu và Mỹ", Nikonov nói. "Các lệnh trừng phạt phụ thuộc vào Mỹ. Nếu Mỹ sẵn lòng dỡ lệnh trừng phạt, chúng sẽ được xóa bỏ ở Liên minh châu Âu (EU) ngay hôm sau".
Trong động thái đi ngược với sự đồng thuận quốc tế, Trump nói ông muốn chuyển đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv, Israel, đến Jerusalem. Các chính quyền Mỹ trước đó và những quốc gia khác tránh sự thay đổi này bởi Jerusalem không được quốc tế công nhận là thủ đô của Israel.
Trong video gửi tới Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mô tả ông là "người bạn vĩ đại của Israel, liên tục thể hiện sự ủng hộ Israel suốt nhiều năm và tôi rất tôn trọng điều đó. Tôi mong chờ được làm việc với ông để thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và hòa bình".
Trump còn nói các đồng minh Arab của Mỹ sẽ phải "tham chiến" tại các cuộc xung đột ở Syria và Iraq, chỉ trích các nước vùng Vịnh như Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar vì "chưa làm nhiều" trong sự kiện vận động ở bang Virginia hồi tháng 8.
"Những nước vùng Vịnh không có gì ngoài tiền", Trump phát biểu. "Tôi sẽ bắt họ thanh toán".
Tại châu Á, Trump bóng gió sẽ tạo ra những thay đổi quan trọng. Ông muốn có sự khác biệt với chính sách hiện tại về Triều Tiên, đó là đàm phán để thúc ép họ dừng chương trình hạt nhân, khả năng được giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper nói không thành công.
Bình Nhưỡng muốn được công nhận là ngang hàng với Washington, muốn đàm phán để thể hiện điều đó. Chính quyền Obama không tính đến chuyện kết nối với chính quyền Kim Jong-un trừ khi Triều Tiên bắt đầu phi hạt nhân hóa.
"Tôi sẽ nói chuyện với ông ấy", Trump trả lời Reuters hồi tháng 5. "Tôi thấy không có vấn đề gì".
Trump còn tỏ vẻ thất vọng về những liên minh thời hậu Thế Chiến II với Hàn Quốc và Nhật Bản, cho rằng hai nước không đóng góp đủ cho thỏa thuận an ninh chung giữa ba quốc gia.
Trump hồi tháng 3 dọa Mỹ có thể rút quân, Nhật Bản và Hàn Quốc tốt hơn nên tự bảo vệ. "Ngay lúc này, chúng ta đang bảo vệ Nhật Bản", Trump nói với New York Times. "Và sẽ có lúc chúng ta không thể làm như vậy nữa".