Thành tỷ phú nhờ buôn siêu xe phế liệu

Việc kinh doanh ôtô phế liệu đã mang về cho người sáng lập của Copart, ông Willis Johnson, khối tài sản khổng lồ 1,9 tỷ USD...
Copart sở hữu mạng lưới bãi phế liệu trải dài từ Mỹ, Brazil, Anh cho tới Trung Đông - Ảnh: Bloomberg.
Copart sở hữu mạng lưới bãi phế liệu trải dài từ Mỹ, Brazil, Anh cho tới Trung Đông - Ảnh: Bloomberg.

Siêu xe Ferrari 812 Superfast năm 2019 hiện có giá bán lẻ khoảng 363.000 USD. Tuy nhiên, nếu người dùng không quan tâm tới những vết móp méo và trầy xước thì có thể mua một chiếc Ferrari 812 Superfast cũ với giá 91.500 USD trên nền tảng của Copart Inc, theo Bloomberg.

Copart Inc., có trụ sở tại Dallas, là công ty chuyên bán siêu xe cũ với các bãi phế liệu có gần 200.000 chiếc, trong đó một số chỉ hư hỏng nhẹ, một số hoàn toàn là phế liệu. 

Việc kinh doanh ôtô phế liệu đã mang về cho người sáng lập của Copart, ông Willis Johnson, khối tài sản khổng lồ 1,9 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Tỷ phú 72 tuổi này đã xây dựng mạng lưới bãi phế liệu trải dài từ Mỹ, Brazil, Anh cho tới Trung Đông. Tuần trước, Copart mới mở một cơ sở rộng gần 9 hecta tại Berlin, Đức. Hiện tại, con rể ông, Jay Adair, là giám đốc điều hành (CEO) của Copart và sở hữu số cổ phần trị giá hơn 800 triệu USD. 

Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Copart đã tăng 81% và hiện có vốn hoá 20 tỷ USD. Tăng trưởng mạnh mẽ này đến từ việc mở rộng ra thị trường quốc tế của Copart cũng như thực tế rằng các cải tiến công nghệ đang khiến ôtô mới ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, theo Copart, nhiều tài xế hiện nay thường bị xao nhãng bởi điện thoại, từ gây ra nhiều va chạm khiến ôtô bị móp méo và hư hại nhiều hơn hơn, tạo nguồn cung dồi dào cho công ty. 

Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại California, ông Johnson gia nhập quân ngũ. Sau khi xuất ngũ, ông trở về làm việc tại bãi phế liệu của cha mình. Năm 1972, ông bán nhà và cùng vợ con chuyển vào sống trong một xe tải di động, để có 75.000 USD mua bãi phế liệu riêng. Gần 40 năm sau đó, vào 2010, ông và gia đình sống trong dinh thự trị giá 28 triệu USD, nơi ông cất giữ bộ sưu tập ôtô cổ điển của mình. 

Johnson cho biết ông xây dựng mô hình kinh doanh của Copart lấy cảm hứng từ công viên chủ đề Disneyland. Sau chuyến thăm đầu tiên tới Disneyland, ông đã nảy ý tưởng đưa việc kinh doanh hai-trong-một để tối đa hoá lợi nhuận. Tại các bãi phế liệu đầu tiên của mình, ông Johnson tính phí vào cổng, bán phụ tùng đã tân trang và sắt vụn từ phần còn lại của những chiếc xe đã được tháo dỡ. 

Doanh nhân này cũng sớm tiếp cận Internet với việc ra mắt nền tảng đấu giá trực tuyến xe cũ vào vào năm 1998, ba năm sau khi eBay Inc. ra đời. 

Copart hiện là một trong những công ty đứng đầu trên thị trường đấu giá xe cũ tại Mỹ với giá trị thị trường cao hơn 250% so với đối thủ gần nhất IAA Inc. Một trong những lợi thế của Copart là mối quan hệ với các hãng bảo hiểm. Công ty này giành được hợp đồng với các hãng bảo hiểm nhờ khả năng xử lý số lượng lớn ôtô hư hỏng sau các thảm hoạ thiên nhiên như bão Harvey. Theo ước tính của Guggenheim, Copart có thêm 130.000 ôtô phế liệu mỗi năm nhờ hợp đồng với hãng bảo hiểm Geico.

Theo một phân tích của trang nghiên cứu ôtô Edmunds, thị trường ôtô đã qua sử dụng tại Mỹ được dự báo sẽ đạt doanh số kỷ lục 41 triệu chiếc, trong bối cảnh giá ôtô mới ngày càng nằm ngoài tầm với của nhiều người tiêu dùng. 

Chuyên đề