Quốc hội nghe các báo cáo về dự án Luật Đơn vị HCKTĐB. Ảnh: VGP |
Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) được xây dựng với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển 3 đơn vị HCKTĐB là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Đồng thời hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới, có môi trường sống hiện đại; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao; nâng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp cho ngân sách Nhà nước; tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi.
Từ thực tiễn phát triển của các đơn vị HCKTĐB có thể xem xét nhân rộng trong cả nước những thể chế, chính sách và mô hình quản lý mới, hiệu lực, hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Luật được xây dựng trên quan điểm quán triệt chủ trương của Đảng về phát triển đơn vị HCKTĐB, bám sát và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp; xây dựng thể chế mới, chính sách vượt trội trên các mặt kinh tế - xã hội, hành chính và tư pháp, cao hơn và thuận lợi hơn so với quy định của các luật hiện hành, phù hợp với Hiến pháp, điều ước quốc tế và có tính cạnh tranh quốc tế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày dự án Luật. Ảnh: VGP
Báo cáo thẩm tra dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị HCKTĐB; cho rằng, việc xây dựng Luật này là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về "xây dựng một số đơn vị HCKTĐB với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị", đồng thời, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, để tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị HCKTĐB bảo đảm khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế thì Luật này có thể quy định những cơ chế, chính sách vượt trội, khác với các luật hiện hành. Tuy nhiên, phải bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân tại đơn vị đơn vị HCKTĐB.
Về tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB, Chính phủ đề xuất và xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB. Phương án 1: Không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị đơn vị HCKTĐB mà thực hiện thiết chế trưởng đơn vị đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế-xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB. Phương án 2: Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB đặc biệt gồm có HĐND và UBND.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Định cho biết qua thảo luận, trong Ủy ban Pháp luật có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án 1 và cho rằng phương án này thể hiện được tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy như được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Loại ý kiến thứ hai tán thành phương án 2 vì cho rằng phương án này bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 (Điều 110 và Điều 111) và thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (các Điều 2, 4, 74 và 75). Đồng thời thể hiện tính nhất quán về tổ chức của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương, bảo đảm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; bảo đảm tính đại diện và quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân ở các đơn vị HCKTĐB. Tuy nhiên, những đại biểu tán thành phương án 2 đề nghị cần rà soát để thiết kế lại cách thức thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND đơn vị HCKTĐB để thể hiện rõ hơn tính đặc thù, tính cải cách, đột phá.
Do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Pháp luật báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến về vấn đề nêu trên.
Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đơn vị HCKTĐB, dự thảo Luật quy định một số chính sách ưu đãi liên quan tới đất đai, tài sản gắn liền với đất tại đơn vị HCKTĐB như về thời hạn sử dụng đất; việc thế chấp tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam để vay vốn đầu tư; quyền nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu nhà ở thương mại;...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: VGP
Các khu vực dự kiến thành lập đơn vị HCKTĐB đều là những nơi có tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ, hiện đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, đồng thời, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Hơn nữa, việc giao đất với thời hạn tới 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể bất lợi cho Nhà nước do nền kinh tế thế giới đang có sự biến động mạnh mẽ, có thể dẫn đến những thay đổi khó dự báo về vai trò, vị trí của một số ngành, nghề được ưu tiên trong nền kinh tế.
Do đó, đề nghị cần xem xét đánh giá tác động của chính sách này đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như với cuộc sống của người dân. Cùng với đó, quy định thời hạn sử dụng đất phù hợp hơn đối với từng ngành, nghề ưu tiên phát triển và phù hợp với thực tế sử dụng, gắn với thực trạng quỹ đất hiện có tại mỗi địa phương để vừa thu hút đầu tư, vừa bảo đảm an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và không gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Định cũng báo cáo những vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến các nội dung của dự án luật về mô hình tòa án và các cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị HCKTĐB; việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế đối với hợp đồng dân sự, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; chính sách phát triển kinh tế-xã hội; ngành, nghề đầu tư kinh doanh; chính sách ưu đãi về thuế; vấn đề về lao động, tiền lương và an sinh xã hội;...