Huy động vàng trong dân: Bài toán chưa có lời giải

(BĐT) - Không phải là câu chuyện mới, nhưng vấn đề huy động vàng trong dân đang trở nên “nóng” khi Hiệp hội Kinh doanh vàng kiến nghị thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia với mục đích “đánh thức” khoảng 500 tấn vàng đang “ngủ quên” trong dân.
Không nên để ngân hàng nhập cuộc huy động vàng trong dân. Ảnh: Kim Tuyến
Không nên để ngân hàng nhập cuộc huy động vàng trong dân. Ảnh: Kim Tuyến

“Vàng hóa” có trở lại?

Mới đây, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, nghiên cứu, xem xét vấn đề huy động nguồn lực trong dân bao gồm cả vàng và tiền nhằm tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế. Câu hỏi đang được đặt ra là giải bài toán này bằng cách nào khi nó vốn “hóc búa” từ nhiều năm nay.

Giới chuyên gia nhận định, việc huy động nguồn lực vàng trong dân nếu làm được sẽ rất tốt cho nền kinh tế. Tuy nhiên, giải quyết bằng cách nào thì lại là vấn đề không dễ. Bởi việc này phải hài hòa cả mục tiêu kinh tế lẫn mục tiêu chống vàng hóa vốn đã và đang thực hiện rất tốt.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố mới đây cũng khẳng định, nếu thực hiện huy động vàng, kim loại quý này sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống.

Nhóm nghiên cứu VEPR nhận định, bản chất của việc huy động vàng là đi ngược với nguyên tắc kinh tế. Vàng hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản. Huy động vàng cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu như trường hợp Brexit sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Đây sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng “vàng hóa” trở lại.

Còn TS. Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế bày tỏ: “Tôi đồng ý là phải huy động vàng trong dân nhưng không phải kêu gọi dân gửi vào ngân hàng rồi nhận giấy chứng nhận hay lập sàn vàng rồi lại buôn bán lại vàng. Làm như thế sẽ “tiêu” mất thành quả chúng ta đã nỗ lực chống vàng hóa trong mấy năm nay”.

Vị chuyên gia này phân tích, người dân không biết làm gì thì mới giữ vàng. Bởi vậy, muốn huy động được nguồn lực này cần tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, kích thích hơn để dân có thể tự bỏ vàng ra, đổi vàng thành tiền rồi trực tiếp đầu tư vào nền kinh tế. Chúng ta tháo cởi cơ chế, tạo ra những điều kiện kích thích doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng cũng cần làm thế nào để dân thấy có lợi khi chuyển vàng thành tiền.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Việc Nhà nước huy động hay cho vay bằng vàng nói chung là rủi ro, bởi giá vàng rất khó đoán.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cũng cho rằng, chủ trương huy động vàng trong dân cần được cân nhắc một cách hết sức thấu đáo, bởi những tác động có thể làm thị trường vàng có những diễn biến phức tạp hơn và đặc biệt là có thể khiến nguy cơ tình trạng “vàng hóa” quay trở lại.

Ông Thành khuyến cáo, muốn người dân không giữ vàng cần kinh tế vĩ mô ổn định, lãi suất tiền gửi ngân hàng ổn định, có lợi cho người dân thì tự khắc chuyển vàng sang tiền đồng gửi ngân hàng. Đây là cách chống vàng hóa hiệu quả.

Còn theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, huy động được khối vàng đó để đầu tư trở lại vào nền kinh tế cũng rất tốt nhưng không nên để các ngân hàng nhập cuộc thị trường vàng, vì làm như thế sẽ đi ngược chủ trương chống “vàng hóa” trong nền kinh tế.

Vị chuyên gia đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng này cũng cho rằng, nếu Nhà nước huy động rồi đầu tư chỗ khác không kịp rút về để trả cho dân, rồi giá lên xuống phập phù thì đây sẽ là những rủi ro không dễ dàng cáng đáng.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính thuộc Bộ Tài chính, khẳng định, việc Nhà nước huy động hay cho vay bằng vàng nói chung là rủi ro, bởi giá vàng rất khó đoán.

Ông Độ dẫn chứng, thực chất, những năm 2000, lạm phát thấp, lãi suất cao, người dân tích trữ vàng nhiều. Thời điểm đấy Chính phủ cho phép huy động vàng để cho vay. Điều đó đã giúp giảm lãi suất cho vay ở thời điểm đó. Tuy nhiên, nó chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài sẽ gặp rủi ro khi giá vàng biến động.

“Làm một phép so sánh, đầu những năm 2000, giá vàng thế giới vào khoảng 250 USD/ounce, đến năm 2011, giá đã lên tới 1.800 USD/ounce. Như vậy, trong khoảng 10 năm, giá vàng tăng gần 10 lần, tính ra là 20%/năm, vậy kinh doanh gì để trả được lãi suất đấy? Cho nên chuyện đi vay vàng rủi ro cao và Nhà nước không nên theo đuổi những chính sách như thế” - ông Độ phân tích. 

“Trong thời gian qua, NHNN đã lần lượt loại vàng và ngoại tệ ra khỏi hệ thống tín dụng. NHNN cần thực hiện việc này một cách nhất quán, quyết đoán, tránh lặp lại những sai lầm không cần thiết” - Nhóm nghiên cứu thuộc VEPR khuyến nghị.

Chuyên đề